Mặc dù thị trường chống đỡ khá tốt ở các phiên chứng khoán thế giới lao dốc mạnh, nhưng đa số chuyên gia nghiêng về khả năng thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn.
Quan điểm tích cực nhất không nghiêng hẳn về khả năng thị trường đã đạt đỉnh khi cho rằng mức độ tương quan của thị trường Việt Nam với chứng khoán thế giới đã giảm, nhưng cũng cho rằng với khả năng bứt phá cao hơn là thấp. Các quan điểm thận trọng đều nhìn nhận việc cạn thông tin hỗ trợ ở trong ngắn hạn và sự leo thang căng thẳng thưởng mại là rủi ro nhất.
Đa số chuyên gia cho rằng thị trường cần một nhịp điều chỉnh vì tháng 8 là thời điểm trống thông tin trong khi thực tế đợt tăng vừa rồi cũng chỉ dựa vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. Dòng tiền không có sự lan tỏa. Khi các cổ phiếu trụ suy yếu thì thị trường sẽ chịu áp lực. Trong kịch bản điều chỉnh, dòng tiền có thể ưu tiên vào các cổ phiếu thuộc nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia vẫn để ngỏ dư địa cho VN-Index được một số cổ phiếu điều tiết đẩy lên kiểm tra lại mốc 1.000 điểm lần nữa, nhưng kịch bản điều chỉnh vẫn được ưu tiên. Trong kịch bản giảm, VN-Index có thể rơi xuống 965-969 điểm và vùng hỗ trợ cao hơn khoảng 980 điểm
VN-Index cuối cùng đã “bước một chân” qua ngưỡng 1000 điểm rồi lại thoái lui. Kể cả trước khi có tin giảm lãi suất của FED, trước khi có tin Mỹ tăng thuế với hàng Trung Quốc thì thị trường đã bị xả lớn tại mốc 1.000 điểm hôm 30/7. Rõ ràng nhịp tăng này đa số cổ phiếu tăng không nhiều, nhưng khi thị trường quay đầu lại cùng giảm mạnh. Lý giải về hiện tượng này ông Nguyễn Hoàng Việt – Trung tâm Phân tích VietinBank Securities cho rằng hiện tượng này cũng là khá dễ hiểu khi chỉ số VN-Index tuy tăng trong thời gian vừa qua nhưng chỉ hoàn toàn dựa vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn làm nhiệm vụ “kéo điểm” thị trường trong khi đại bộ phận các cổ phiếu cơ bản khác lại không có thay đổi gì đáng kể.
Nhìn từ quan điểm của nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây là dấu hiệu của xu hướng tăng không lành mạnh và thiếu sự ổn định bền vững trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có gì chuyển biến khả quan hơn.
Nói cách khác, điều này cũng có thể được hiểu là dòng tiền đầu cơ trong thời gian vừa qua là rất lớn nên khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1.000 điểm đã nhanh chóng gặp phải áp lực chốt lời lớn. Một khi dòng tiền đầu cơ rút đi và thị trường không có trụ đỡ ổn định nào khác thì kịch bản chỉ số VN-Index giảm mạnh ngay sau khi tăng mạnh cũng là hợp lý.
Thị trường đang đứng trước thời điểm không dễ dàng, khi kết quả kinh doanh đã xuất hiện hết, FED cũng đã giảm xong lãi suất và giờ lại thêm căng thẳng thương mại được nâng lên cấp độ mới.
Với việc thị trường trong tháng 8 là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực, tôi cho rằng chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh của nhịp tăng hiện tại và sẽ sớm xảy ra các phiên điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn để tiếp tục tích lũy tạo tiền đề bứt phá đón báo cáo kết quả kinh doanh Quý 3.
Trên phương diện kỹ thuật, đỉnh cao 1002,77 điểm mà VN-Index đạt tới cũng không cách xa đỉnh tháng 3/2019 bao nhiêu. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã phá vỡ cả kênh giá giảm 12 tháng và 3 tháng khi vượt qua ngưỡng 975 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy vậy, ngưỡng 1.000 điểm tiếp tục tỏ ra là ngưỡng cản rất mạnh trong bối cảnh áp lực điều chỉnh tại đây sẽ là rất lớn và tháng 8 cũng là giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Đi kèm với những rủi ro vĩ mô hiện tại như căng thẳng thương mại tiếp tục có chiều hướng gia tăng và dòng tiền vẫn còn đang đứng ngoài không mặn mà tham gia vào thị trường thì ông Việt cho rằng sẽ rất khó để cho VN-Index vượt được ngưỡng 1.000 điểm.
Trong kịch bản lạc quan nhất, chúng tôi nhận định rằng chỉ số VN-Index sẽ vận động tích lũy tăng giảm đan xen trong vùng điểm 975 – 1.000 điểm với dòng tiền sẽ có xu hướng luôn phiên tập trung tại nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả báo cáo kinh doanh Quý 3 khả quan.