Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG) và Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam (GfK) phối hợp tổ chức hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam bước chân vào thế giới phẳng – Cơ hội hay thách thức”.
Thời gian: 15h00, thứ Hai, ngày 28/03/2016
Địa điểm: Trụ sở Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Số 16 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Hiện đã có 300 nhà đầu tư và các phóng viên báo chí tham dự hội thảo.
Hội thảo có sự hiện diện của Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE); Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG); Ông Huỳnh Phước Cường – Giám Đốc khối Bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam (GfK); Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VieitnBankSc).
Phát biểu tại hội thảo, Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để các nhà đầu tư giao lưu với các chuyên gia đến từ GfK, VietinBank Securities và Lãnh đạo doanh nghiệp – CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG). Hội thảo là hoạt động thường xuyên của Sở phối hợp với các công ty chứng khoán tổ chức nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư kiến thức, kinh nghiệm cũng như thông tin về thị trường, hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định đầu tư trong từng ngành.
(Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao Dịch HOSE)
Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Công Thương phát biểu tại hội thảo nhấn mạnh năm 2015 là năm thành công đặc biệt của Việt Nam trong các hoạt động chính trị, đối ngoại với hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng được hoàn tất đàm phán/ ký kết, nổi bật lên là Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh đó, sự kiện Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm 2015 sẽ mở ra cho Việt Nam một sân chơi mới, một thị trường chung hơn 600 triệu dân với sức tiêu thụ khổng lồ. Chúng tôi nhận định rằng năm 2016 sẽ là năm đầy cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp trong ngành Bán lẻ nói riêng.
Với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, năm 2016, VietinBank Securities đầu tư đẩy mạnh hoạt động như M&A, tư vấn tìm kiếm đối tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn được những giải pháp tài chính toàn diện và hữu ích. Hội thảo ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động gia tăng của VietinBank Securities trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.
(Ông Khổng Phan Đức –TGĐ VietinBank Securities)
PHẦN 1: TRÌNH BÀY CỦA CÁC KHÁCH MỜI
Ông Huỳnh Phước Cường – Giám Đốc khối Bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam (GfK)
Thị trường bán lẻ điện tử, điện máy đầy hấp dẫn, đặc biệt là mảng điện thoại di động.
Mở đầu nội dung buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Huỳnh Phước Cường – Giám Đốc khối Bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam (GfK).
(Ông Huỳnh Phước Cường – Giám Đốc khối Bán Lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam)
Phần trình bày của Ông Cường tập trung mang đến cho NĐT bức tranh toàn cảnh về thị trường bán lẻ điện tử và xu hướng của ngành tại Việt Nam.
Đầu tiên, theo ông Huỳnh Phước Cường, một số yếu tố về kinh tế vĩ mô năm 2015 (thu thập từ Nguồn Tổng cục Thống kê, Worldbank) như tăng trưởng GDP đạt 6,68%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD, tỷ lệ thất nghiệp 2,31%, tỷ lệ lạm phát thấp 0,63%, tiêu dùng bình quân hộ gia đình 3.737 EUR là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bản lẻ trong năm vừa qua.
Cụ thể, thị trường bán lẻ điện máy đạt quy mô là 154,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2015, tăng 22,6% so với năm 2014. Trong đó,
(1)
Nhóm điện thoại di động (TEL): 65,7 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng số bán lẻ điện tử, điện máy, và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với hơn 30% so với các mặt hàng còn lại.
(2)
Nhóm sản phẩm điện lạnh gồm máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng (MDA): 37,5 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,1%,
(3)
Nhóm sản phẩm điện tử gồm dàn máy nghe nhạc, tivi màn hình phẳng, đầu đĩa DVD, máy quay phim (CE): 23,5 ngàn tỷ đồng (15,6%)
(4)
Nhóm điện gia dụng gồm máy xay sinh tố, quạt, nồi cơm điện, bàn ủi, máy sấy tóc, máy hút bụi, máy tắm nước nóng (SDA): 5,1 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 3,4%
(5)
Nhóm công nghệ thông tin gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, máy vi tính, màn hình máy vi tính, máy in và ổ cứng (IT): 20,6 ngàn tỷ đồng (12,9%)
(6)
Nhóm máy chụp hình các loại (PHO): 2,2 ngàn tỷ đồng
Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng về số lượng tiêu thụ nhiều nhất (21%), nhưng do chỉ số giá giảm -12,2% (nhóm hàng duy nhất giảm giá) nên có sự tăng trưởng về giá trị doanh thu thấp nhất trong tất cả các nhóm hàng nêu trên (6,2%). Ngược lại, nhóm hàng máy chụp ảnh có sự tăng trưởng âm về doanh số tiêu thụ (-0.3%) nhưng do chỉ số giá tăng trưởng mạnh nhất (23,4%) nên về doanh thu vẫn tăng trưởng tốt (23%).
Giống như các năm gần đây, động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mặt hàng điện thoại di động, khi ghi nhận mức tăng trưởng 29,1% về doanh thu và 16,5% về doanh số tiêu thụ. Mức chi tiêu cho điện thoại di động của người Việt hiện đã vươn lên ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số. Các sản phẩm khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số ngoại trừ nhóm sản phẩm công nghệ thông tin.
Ông Cường cũng đã đưa ra dự báo về xu hướng phát triển của nhóm hàng công nghệ điện tử tại Việt Nam. Theo đó, nhóm sản phẩm điện thoại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh (dự kiến đến năm 2017 doanh thu có thể đạt con số 82 ngàn tỉ đồng so với con số 30,2 ngàn tỉ đồng trong năm 2012). Trong khi đó đà tăng trưởng của nhóm sản phẩm máy tính xách tay giảm do sự góp mặt ngày càng nhiều của sản phẩm giá rẻ (dự kiến đến năm 2017 doanh thu còn 13 ngàn tỉ đồng so với con số 17 ngàn tỉ đồng trong năm 2012). Riêng nhóm sản phẩm máy tính bảng cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhưng sẽ tăng trưởng chậm, cụ thể dự kiến đến năm 2017 doanh thu ước tính đạt 9,8 ngàn tỉ đồng (năm 2012 doanh thu đạt 1,7 ngàn tỉ đồng).
(Đông đảo các nhà đầu tư đã tham gia theo dõi hội thảo)
Ông Cường cho biết xu hướng tiêu dùng cho nhóm thiết bị gia đình dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ gia tăng ở dòng sản phẩm tivi màn hình phẳng ,máy điều hòa, tủ lạnh và máy giặt, trong đó dự kiến đến 2017 giá trị mà dòng sản phẩm ti vi màn hình phẳng mang lại có thể đạt đến 27 ngàn tỷ đồng.
Tựu chung, theo ông Cường, thị trường bán lẻ đi động và điện máy điện tử Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng khá tốt và ổn định trong cả giai đoạn vừa qua và giai đoạn sắp tới.
Đại diện của GfK chỉ ra 10 xu hướng công nghệ toàn cầu trong năm 2016 có thể kể đến như sau : (1) Phân tích dữ liệu ẩn, (2) máy móc thông minh, (3) thực tế ảo, (4) quảng cáo bằng video, (5) thiết bị đeo tay thông minh, (6) thanh toán di động, (7) kiến trúc bảo mật thích ứng, (8) xe hơi kết nối, (9) máy bay không người lái, (10) in ấn 3D.
Riêng tại Việt Nam, ông Cường tóm tắt một số điểm nổi bật và thuận lợi cho ngành bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới như (1) Kinh tế quốc gia có dấu hiệu phục hồi, bên cạnh thu nhập và bình quân tăng, chất lượng cuộc sống mong đợi cao hơn; (2) Những thiết bị gia đình điện tử – điện lạnh trở thành nhu cầu cần thiết để hỗ trợ cuộc sống hộ gia đình; (3) Nhu cầu trang thiết bị công nghệ cá nhân như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay tiếp tục tăng; (4) Yếu tố công nghệ du nhập vào thị trường Việt Nam và tiến gần hơn với người tiêu dùng giúp nâng cao kiến thức và nhu cầu tiêu dùng.
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích VieitnBankSc
Tiếp theo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu phân tích VietinBank Securities.
(Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu phân tích VietinBank Securities)
Thị trường bán lẻ Việt Nam với dư địa tăng trưởng lớn, đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài
Theo ông Đăng, với nền tảng 90 triệu dân trong đó có tới 60% là tiêu dùng trẻ, ngành bán lẻ Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn. Ông Đăng chỉ ra rằng, theo BMI, quy mô thị trường bán lẻ năm 2015 đạt 102 tỷ đô la Mỹ, và dự kiến sẽ đạt 179 tỷ đô la mỹ sau 5 năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 7,3% và 11,9% vào năm 2015 và 2020. Quy mô thị trường lớn, nhưng ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn tập trung quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore ( 90%).
Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi dừng lại ở con số hàng trăm, thị phần bán lẻ hiện tại ở vùng ven và nông thôn gần như bị bỏ ngỏ. Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, (tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện nay), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Với kế hoạch này, tỷ lệ bán lẻ hiện đại sẽ đạt khoảng 45%. Ông Đăng đánh giá đây là một động lực tăng trưởng lớn, rất tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo đó, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần sẽ rất khốc liệt.
Bên cạnh đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015, với lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn đến 2018 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng sẽ mở ra một thị trường bán lẻ với sức tiêu thụ khổng lồ, sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ trong khu vực cũng như thế giới.
Từ những yếu tố trên, theo ông Đăng, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức từ việc hội nhập. Hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về quản lý, về sử dụng vốn và lao động cũng như có cơ hội hợp tác phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng hội nhập cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh gay gắt và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp ngoại.
Ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa – Doanh nghiệp ngoại dần chiếm lĩnh thị trường qua các thương vụ M&A
Thực tế là, có thể thấy gần đây các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây thực sự là mối lo ngại lớn cho ngành bán lẻ của Việt Nam. Nửa đầu năm 2015, thị trường bán lẻ và tiêu dùng dậy sóng khi hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra. Trong đó, nổi lên là những thương vụ mua bán hệ thống các siêu thị có trị giá hàng triệu USD, được xem là dẫn dắt thị trường M&A 2 năm trở lại đây. Theo báo cáo M&A của Stoxplus, số lượng thương vụ mua bán và sáp nhập trong 2014 và 2015 trong lĩnh vực bán lẻ lần lượt là 5 và 15 thương vụ, với giá trị là 899 triệu đô la Mỹ và 254 triệu đô la Mỹ.
Nổi bật như, thương vụ Aeon cùng lúc mua lại 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Hay Lotte đến từ Hàn Quốc cũng đã bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần…
Đặc biệt, theo ông Đăng, cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ Asean là rất lớn. Ông giải thích thêm về vấn đề này một phần là do, đến 2018, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Điển hình với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%.
Trong bài trình bày của mình, ông Đăng cũng đề cập đến một số doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam. Trong đó, mảng thị trường di động chiếm tỷ lệ cao là các cửa hàng nhỏ lẻ, tiếp đến là Thế giới di động và FPT Shop. Về thị trường điện máy, Home centre HC và Nguyễn Kim vẫn đứng đầu về doanh thu trong năm 2015, kế đến là điện máy xanh và điện máy chợ lớn. Mảng chuỗi siêu thị SaigonComart vẫn đứng đầu về doanh thu, theo sau đó là Big C và Metro.
(Nhà đầu tư chăm chú lắng nghe cơ hội đầu tư cổ phiếu bán lẻ)
Trong cuộc hội thảo này, ông Đăng cũng giúp các NĐT tìm hiểu thêm về cổ phiếu doanh nghiệp bán lẻ đã niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó, điển hình là cổ phiếu công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động với mã niêm yết MWG. Theo nhận định của ông Đăng, diễn biến giá cổ phiếu MWG có sự tăng trưởng tốt hơn so với chỉ số chung Vn-Index, và ngành bán lẻ nói chung trong vòng 6 tháng trở lại đây. So với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề trong cùng khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, các chỉ số về thị trường của MWG cũng đang có diễn biến khả quan. Ông Đăng cũng nhấn mạnh thêm, chỉ số ROE của MWG cũng khá ấn tượng, với 54% năm 2015, cao hơn chỉ số này của ngành bán lẻ Việt Nam và của các doanh nghiệp cùng khu vực nói trên.
Gặp gỡ doanh nghiệp bán lẻ – CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG). Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di động
Trong thị trường bán lẻ Việt Nam, CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (mã niêm yết: MWG), hiện đang được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có sức hấp dẫn lớn. Đến với hội thảo lần này, là một dịp để MWG gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhà đầu tư cũng như chia sẻ nhưng cách nhìn trực tiếp về thị trường dưới góc độ là một doanh nghiệp tiêu biểu của ngành.
(Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di động)
Trong phần trình bày, đại diện của CTCP Đầu tư Thế Giới Di động, Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc, trước hết muốn mang đến cho nhà đầu tư cái nhìn tổng quan về tình hình hoạt động kinh doanh của MWG.
Tầm nhìn đến năm 2020, CTCP Đầu tư Thế giới Di động sẽ là doanh nghiệp bán lẻ điện thoại và điện tử hàng đầu Việt Nam
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vận hành 2 chuỗi bán lẻ: Thegioididong.com và ĐiệnmáyXANH. Thứ nhất, thegioididong.com kinh doanh chủ yếu: điện thoại, máy tính bảng, laptop, phụ kiện…Thứ hai, chuỗi Điện máy XANH kinh doanh chủ yếu : tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, nồi cơm điện….
Giới thiệu qua về thị trường bán lẻ đi động và điện tử – hai mảng kinh doanh của MWG, Ông Tài cho biết, đây là một thị trường đầy hấp dẫn. Cụ thể:
(1) Thị trường điện thoại: Quy mô thị trường khoảng 60.000 tỷ đồng/ 24 triệu điện thoại, tỷ lệ người sử dụng điện thoại 80%. Điện thoại di động thông minh chiếm 90% về giá trị, chiếm 55% về số lượng trên tổng số lượng điện thoại bán ra, giá bán bình quân 4,55 triệu đồng. Điện thoại phổ thông chiếm 10% về giá trị và chiếm 45% về số lượng, giá bán bình quân 550.000 đồng. Đồng thời theo thống kê số lượng khách hàng thì có đến 95% khách hàng sử dụng thuê bao trả trước, 5% là thuê bao trả sau. Tại Việt Nam, các nhà mạng thường không có chính sách trợ giá điện thoại khi khi ký hợp đồng hòa mạng (subsidy) như ở các nước phát triển.
(2) Thị trường điện máy: Quy mô thị trường vào khoảng 80.000 tỷ đồng. Tỷ lệ người sử dụng tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh còn thấp. Các chuỗi bán lẻ khá mỏng chỉ tập trung ở các tỷnh thành lớn.
Cụ thể hơn, với công ty CP Đầu tư Thế giới Di động tính đến cuối tháng 3/2016, hệ thống Thế Giới Di Động có hơn 600 cửa hàng, với diện tích 100-200m2, bao phủ 63/63 tỉnh thành; chiếm 30% thị phần điện thoại chính hãng; chuỗi Điện máy XANH đang trong quá trình mở rộng mạnh mẽ với hơn 90 cửa hàng, bao phủ 51/63 tỷnh thành, với diện tích từ 500-1000m2, chiếm hơn 8% thị phần thị trường. Dự kiến đến cuối năm 2016 toàn hệ thống sẽ có khoảng 800 cửa hàng trên toàn quốc.
Ông Tài chia sẻ, định hướng Thế Giới Di Động tới năm 2020 với 3 hướng đi chính trong tương lai (1) là tập đoàn bán lẻ đa ngành hàng hùng mạnh nhất, (2) có vị thế số một trong lĩnh vực thương mại điện tử, và (3) mở rộng kinh doanh thành công ở Lào, Campuchia và Myanmar.
Thế Giới Di Động liên tục cải tiến mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị và hài lòng nhất. Đồng thời mang đến cuộc sống sung túc cho nhân viên, lợi nhuận cao cho nhà đầu tư dài hạn và đóng góp phúc lợi cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, Ông Tài cho biết Thế Giới Di Động khác biệt với các nhà bán lẻ khác nhờ vào Khách hàng và Uy tín. Đặt khách hàng làm trọng tâm cho mọi hành động và suy nghĩ của mình. Đồng thời, tôn trọng mọi cam kết và lời nói của mình.
Cụ thể, sự khác biệt ở Thế giới Di động còn cho thấy được các yếu tố như: Bố trí cửa hàng, trưng bày sản phẩm đơn giản, thuận tiện cho khách hàng (30s); Cửa hàng luôn ngăn nắp, gọn gang dù ở các thành phố lớn hay ở một thị xã nhỏ. Không chỉ có vậy các sản phẩm dịch vụ luôn được lựa chọn bởi thương hiệu có chất lượng cao. Đặc biệt với ông Tài, yếu tố vô hình xuất phát từ sự nhiệt tình, sẵn lòng hỗ trợ khách hàng của nhân viên quyết định phần lớn sự thành công của MWG. Nhân viên được vinh danh và thăng tiến căn cứ trên mức độ hài lòng của khách hàng, không phải trên doanh số.
Năm 2015, MWG tiếp tục đạt được những kết quả kinh doanh đầy ấn tượng với con số tăng trưởng vượt bậc
Nhờ những yếu tố trên, MWG đã đạt được những kết quả kinh doanh đầy ấn tượng với con số tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, năm 2015 doanh thu tăng 60% đạt được 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần 60%, đạt gần 1.100 tỷ đồng so với năm 2014 (doanh thu là trên 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 700 tỷ đồng). Ông cho biết dự kiến tăng trưởng doanh thu năm 2016 lên gần 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu được gần 1.400 tỷ đồng. Đến năm 2017- 2018, MWG vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực đưa doanh thu lên gấp đôi doanh thu năm 2015 (vào khoảng 2 tỷ đô).
Công ty đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá: Giải bạc (Silver) TOP 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam; Top 20 doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu khu vực Đông Á tại Diễn đàn kinh tế Thế giới; Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương; đứng thứ 10 trong top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2015 do Forbes Việt Nam bình chọn; đứng đầu trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2015 do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư bình chọn; Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015 theo VNR.
Ông Tài cho biết thêm, MWG đang ngày càng đẩy mạnh lĩnh vực thương mại điện tử. Thegioididong.com là một trong 5 website Bán lẻ hàng đầu Việt Nam và là website B2C số 1 Việt Nam với trên 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Hệ thống cửa hàng trên 63 tỉnh thành hỗ trợ giao hàng, thu tiền tại nhà nếu khách hàng có nhu cầu.Với phương thức thanh toán linh hoạt như thẻ Visa Card, Master Card, ATM, internet banking và phần lớn khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng. Tất cả những yếu tố trên góp phần làm tăng doanh thu online từ 200 tỷ đồng cho năm 2013, gần 500 tỷ đồng năm 2014 và năm 2015 là gần 1.700 tỷ đồng. Dự kiến năm 2016 Doanh thu online sẽ tăng mạnh vượt bậc xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
MWG cam kết: đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động; mang đến cho nhân viên một môi trường làm việc tôn trọng và công bằng; mang đến cho quản lý một sân chơi công bằng để thể hiện tài năng; mang đến cho đối tác sự tôn trọng; mang đến cho nhà đầu tư giá trị doanh nghiêp gia tăng không ngừng; đóng góp cho cộng đồng thông qua việc tạo nhiều việc làm và đóng góp đầy đủ thuế cho ngân sách nhà nước.
Cơ hội phát triển trong tương lai của MWG còn rất lớn
Ông Tài cũng nói thêm: Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội cho sự phát triển trong tương lai như: (1) Bùng nổ dân số dẫn đến mở rộng tiêu dùng; (2) Thị phần vẫn đang chiếm lĩnh bởi các cửa hàng nhỏ lẻ, đây cũng là cơ hội phát triển kênh cửa hàng hiện đại; (3) Tăng cường hiệu quả kinh doanh nhờ quy mô lớn; (4) Cơ hội tăng trưởng lớn Online mô hình đa kênh (Omni channel) dành cho nhà bán lẻ có chuỗi offline rộng; (5) người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ điện thoại phổ thông sang các loại điện thoại thông minh; (6) Công nghệ luôn thay đổi và tạo ra nhu cầu mới; (7) Thị trường điện máy là Thị trường còn phân mảnh, cơ hội cho một số ít công ty thống lĩnh thị trường; (8) Tiềm năng để phát triển các chuỗi bán lẻ hiện đại cho các ngành hàng khác.
Theo Ông Tài, chiến lược phát triển trong thời gian từ 2016 đến 2018 như sau : (1) Mảng Thegioididong.com sẽ mở nhiều thêm cửa hàng tăng doanh thu siêu thị cũ; (2) Đẩy mạnh phát triển bán hàng online; (3) Mảng dienmayxanh.com cũng sẽ mở thêm nhiều cửa hàng và tăng doanh thu siêu thị cũ; (4) Mở chuỗi bán lẻ mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh.
Trong bài trình bày này, Ông Tài cũng giới thiệu thêm về chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Đây là chuỗi mini market hàng tiêu dùng hướng đến mục tiêu cung cấp cho khách hàng dịch vụ “Mua nhanh, Mua rẻ”. Giai đoạn thử nghiệm đến cuối năm 2016. Trong đó, mục đích đặt ra sẽ là thăm dò sự đón nhận của khách hàng cho mô hình mới của chuỗi siêu thị mini. Diện tích một siêu thị khoảng 100-200 m2, hàng hóa bán giống như trong siêu thị nhưng chủ yếu tập trung vào hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm tươi sống, rau củ quả, gia vị, dự kiến có khoảng 20-30 cửa hàng tập trung ở khu vực Bình Tân và các khu vực vùng ven thành phố Hồ Chí Minh.
PHẦN 2: TỌA ĐÀM
Nội dung tọa đàm “Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”
Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với nội dung tọa đàm “Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” giữa các khách mời và giải đáp trự tiếp thắc mắc của nhà đầu tư.
Dẫn dắt buổi tọa đàm là Bà Trần Thị Thanh Nga, Trưởng bộ phận Truyền thông VieitnBankSc
Bà Nga: Thị trường Bán lẻ Việt Nam với nền tảng 90 triệu dân, 60% là tiêu dùng trẻ là một thị trường rất hấp dẫn. Câu chuyện hội nhập mang đến cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam. Vậy doanh nghiệp Việt có cơ hội gì trong bối cảnh hội nhập? và cơ hội cho doanh nghiệp ngoại có phải là thách thức cho các doanh nghiệp Việt hay không?
Ông Cường: Cơ hội nằm trong thách thức và ngược lại. Đối với riêng ngành bán lẻ, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế khi (1) hiểu rõ người tiêu dùng địa phương nhờ lợi thế sân nhà, (2) có sẵn thương hiệu, (3) am hiểu được chính sách, luật pháp địa phương. Cùng với đó, thách thức mà các doanh nghiệp nội địa phải đối mặt như lợi thế nguồn vốn lớn và kinh nghiệm quản lý tốt của các tập đoàn nước ngoài, thách thức mở cửa khi cọ sát với môi trường quốc tế.
Bà Nga: Là đại diện đơn vị nghiên cứu thị trường, theo ông Cường, MWG đang đứng trước cơ hội hay thách thức?
Ông Cường: Thách thức là rất rõ khi các tập đoàn nước ngoài với tiềm lực về tài chính, về kinh nghiệm quản lý (hệ thống hóa quản trị) luôn luôn tìm kiếm, xem xét cơ hội tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các hoạt động M&A. Các doanh nghiệp nội địa sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn là điều không thể tránh khỏi.
Bà Nga: Thưa Ông Nguyễn Đức Tài – Đại diện Cty Thế giới Di động. Là một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh trong ngành, ông hãy cho biết nhận định của ông về cơ hội của Thế giới di động cũng như các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong câu chuyện hội nhập?
Ông Tài: Lợi thế về am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam là rất mơ hồ. Trường hợp Aeon của Nhật là một ví dụ điển hình khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Thực tế đã chứng minh chỉ trong thời gian rất ngắn, họ đã rất thành công trong việc chinh phục, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Nhìn chung, khách hàng luôn mong muốn mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt, dịch vụ chăm sóc cao và đây không phải là cản trở gì lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Nga: Trong chương trình Tạp chí cuối năm 2015, Nhà báo Lê Bình chia sẻ “Hội nhập sẽ là cơ hội nếu chúng ta biến nó thành tiền, nếu không nó sẽ là cơ hội để chúng ta dâng tiền cho doanh nhân nước khác”. Vậy các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị gì để biến cơ hội thành tiền?
Ông Tài: Thị trường mở cửa thì ai cũng có cơ hội khai thác, nếu các tập đoàn nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mang đến sự phục vụ tốt thì sẽ thu hút được khách hàng, và ngược lại, nếu chúng ta phục vụ không tốt thì chúng ta “dâng tiền” cho họ. Như vậy, yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp nội địa cần chuẩn bị đó mà một hệ thống quản trị hiệu quả, đội ngũ nhân sự máu lửa, sẵn sàng cống hiến trong công việc, luôn đặt khách hàng làm trung tâm.
Ông Cường: Đặt khách hàng là quan trọng nhất. Một nghiên cứu về đào tạo bán lẻ đã chỉ ra rằng 84% là do yếu tố con người, sau đó mới đến hệ thống công nghệ và IT. Quan điểm về dịch vụ tốt, nâng niu khách hàng là yếu tố chính để thành công.
Bà Nga: Trong bối cảnh hội nhập cũng như sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, làn sóng M&A đã diễn ra và còn khả năng tiếp tục sôi động trong thời gian tới, vậy liệu M&A có phải là xu hướng tất yếu hay không?
Ông Cường: Nếu nhìn trên góc độ toàn cảnh xu hướng M&A toàn cầu, các hoạt động M&A vẫn luôn diễn ra, và được xem như là công thức đầu tư của các tập đoàn nước ngoài khi muốn thâm nhập vào thị trường mới. Đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, làn sóng M&A là tất yếu, cạnh tranh sẽ gia tăng. Các doanh trong nước lúc này không chỉ dựa trên lợi thế hiện có, mà còn cần phát huy lợi thế để phát triển, cạnh tranh là khó khăn nhưng đồng thời cũng chính là động lực phát triển, là cơ hội cọ sát nhằm mục tiêu giữ vững thị phần thậm chí là gia tăng thị phần.
Ông Tài: Liên tục đầu tư và đổi mới chính mình trong suốt 10 năm vừa qua đã mang lại kết quả là thị phần MWG đã lên đến 40%, và chưa dừng lại. Trong mảng hoạt động này, chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào trong khu vực cũng như tại các quốc gia có ngành bán lẻ phát triển như Anh hay Mỹ có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam. Trên thực tế, với thị phần lớn như vậy, việc các doanh nghiệp nước ngoài có ý đồ thâm nhập vào thị trường này không phải điều đơn giản, cơ hội không còn lớn nếu muốn tranh dành thị phấn với MWG.
Cạnh tranh chính là động lực cho sự phát triển. Giai đoạn 2008-2009, khi MWG chưa có đối thủ trên thị trường, thiếu sự cạnh tranh chính là điều cản trở sự tăng trưởng của MWG. Khi có cạnh tranh, buộc MWG luôn giữ tư thế làm tốt để tiến về phía trước, nâng cao hiệu quả, mang đến sự tăng trưởng ấn tượng. Sự cạnh tranh là động lực cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, nâng tầm dịch vụ bán lẻ.
Bà Nga: Thưa ông Đức, là đại diện của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về xu hướng M&A trong ngành bán lẻ?
Ông Đức: Xu hướng M&A ngành bán lẻ đã diễn ra tương đối rầm rộ trong vài năm trở lại đây. Năm 2015 có nhiều thương vụ đình đám như Aeon mua lại Citimart, Vingroup mua lại một số chuỗi siêu thị… Đây được xem như là con đường tắt cho doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường bán lẻ. Đối với ngành bán lẻ, những quy định về mở cửa hàng là không đơn giản, nên việc am hiểu về luật pháp, về chính quyền địa phương là lợi thế. Kênh bán hàng bán lẻ rất quan trọng đối với 1 nhãn hiệu muốn thâm nhập vào thị trường. Đường tắt được nhiều doanh nghiệp lựa chọn và sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong nhiều năm tới.
Đối với riêng MWG, với những thế mạnh về hệ thống phân phối cũng như quy chuẩn trong quản trị mà không phải nhiều doanh nghiệp làm được. Đối với vấn đề hội nhập, cơ hội dành cho MWG là nhiều hơn thách thức, thị trường không còn chỉ là của 90 triệu dân mà là 600 triệu dân hứa hẹn nhiều cơ hội thành công cho MWG thi thâm nhập thì trường Myanmar hay Campuchia. Tuy nhiên một điểm cần lưu ý đối với MWG nói riêng cũng như các doanh nghiệp ngành bán lẻ nói chung khi muốn thâm nhập vào thị trường mới thì thế mạnh về am hiểu luật pháp, quan hệ tốt với chính quyền địa phương đôi khi còn quan trọng hơn cả thói quen người tiêu dùng.
Bà Nga: Thưa ông Cường, ông có đánh giá gì về triển vọng thành công của MWG khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài?
Ông Cường: Cơ hội luôn đi chung với thách thức. Doanh nghiệp cần tìm hiểu văn hóa cụ thể tại thị trường mới để áp dụng mô hình quản trị tốt. Myanmar và Campuchia là hai thị trường đang tăng trưởng nên cơ hội là có. Tuy nhiên quan điểm về phục vụ người tiêu dùng còn rất sơ khai, trình độ người lao động còn hạn chế. Riêng thị trường Myanmar, đây là thị trường phát triển nóng, quốc gia cuối cùng mở cửa trong khu vực, năng suất lao động thấp, đây là vấn đề mà doanh nghiệp cần cân nhắc để làm sao thích ứng được khi thâm nhập thị trường này.
Bà Nga: Thưa quý vị, ngay trước buổi hội thảo chúng tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu ngành bán lẻ đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, vậy theo ông Đức – là đại diện của CTCK, ông hãy cho biết triển vọng thị trường chứng khoán nói chung và CP ngành bán lẻ nói riêng sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Ông Đức: Năm 2016, thị trường vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngành, và đặc biệt là phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn nước ngoài. Cụ thể, theo VietinBank Securities, các nhóm ngành có triển vọng tốt trong năm 2016 như:
(1)
Nhóm ngành thu hút được nhiều dòng vốn nước ngoài từ tác động của các hiệp định thương mại tự do như Dệt may, Da giầy, Xây dựng, Hạ tầng, Khu Công nghiệp, Logistics, bán lẻ, vân vân.
(2)
Tiêu dùng cải thiện với thu nhập bình quân đầu người tăng lên: ngành Thực phẩm, Bán lẻ
(3)
Ngành Nhiệt điện do tình hình Elnino.
Tuy nhiên, trong từng ngành nói trên, nhà đầu tư nên cân nhắc các mã cổ phiếu có tình hình cơ bản tốt, các mã kín room và có kế hoạch nới room. Thị trường cũng bị tác động bởi việc thoái vốn cũng như cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước, điều này sẽ thu hút một lượng vốn nhất định với doanh nghiệp thực sự tốt.
(Nhà đầu tư đặt câu hỏi cho các diễn giả)
NĐT 1: TGDĐ có kế hoạch mở room cho NDT nước ngoài hay không?
Ông Tài: Hiện tại MWG chưa có kế hoạch cũng như chưa xem xét về vấn đề này.
NĐT 2: MWG có thành công với Bách hóa xanh như đã thành công với thế giới di động và điện máy xanh hay không?
Ông Tài: Bách hóa xanh đang trong giai đoạn thử nghiệm, cuối năm nay sẽ có kết quả thử nghiệm. Nếu thành công thì 2017 sẽ mở rộng, nếu thất bại thì chấp nhận.
NĐT 3: Marketing online mang đến những cạnh tranh thách thức như thế nào đối với các nhà bán lẻ khi hình thức này hiện nay đang thu hút đươc sự quan tấm của giới trẻ?
Ông Cường: GfK cũng đã nghiên cứu khá lâu về marketing online. Về cơ bản, đối với thị trường Việt Nam, có hai loại hình hoạt động bán lẻ online là (1) nhóm đầu tiên xây dưng hệ thống của hàng vất lý sau đó online, (2) Nhóm thứ hai như lazada, không có cửa hàng vật lý. Tại Việt Nam, 99% là COD giao hàng trả tiền.
Trên thực tế, người tiêu dùng Việt Nam chưa có niềm tin đối với tiêu dùng online. Theo thống kê của GfK, năm 2013, riêng điện máy có 830 web hoạt động tại thị trường Việt Nam, sau khi rà xoát lại số liệu còn 218 web hoạt động thực sự. Năm 2015, con số này là 1083 web, tương ứng chỉ có 283 web hoạt động thực sự. Dân số Việt Nam đang trong tháp tuổi vàng, đây là đối tượng trải nghiệm chính dịch vụ mua hàng online. Trong dài hạn sẽ đem lại tăng trưởng online đúng nghia khi người tiêu dùng thực sự trải nghiệm. Các doanh nghiệp kinh doanh không trung thực sẽ không tồn tại được lâu dài
Hiện nay, MWG đang thực hiện việc mua laptop trả bản quyền mua hệ điều hành, nhưng khi đến các nhà bán lẻ khác thì chưa có việc này xảy ra. TGDĐ đã đối phó với thách thức về vấn đề này như thế ? Đặc biệt, với kế hoạch mở rộng thị trường Myanmar, với chiến lược hiện nay về giá và bản quyền, thì vấn đề rủi ro có nên xem xét?
Ông Tài: Đây không phải vấn đề mới đối với TGDĐ, khách hàng có 2 sự lựa chọn, có hoặc không có hệ điều hành win 10 và office với chi phí trả thêm là 2 triệu đồng. Thách thức ở đây là nhiều khách hàng có thể ra đi, tuy nhiên đồng thời cũng sẽ có đối tượng khác hàng khác đồng ý với việc mua bản quyền, bảo hộ trí tuệ. Đây không phải vấn đề đúng hay sai, mà là quyết định trong kinh doanh, hướng về tương lai của MWG với vị trí là một nhà bán lẻ lớn khi hội nhập với quốc tế.
NĐT 4: MWG có kế hoạch mở rộng sang thị trường Campuchia và Myanmar. Vấn đề về chuẩn bị tài chính, trường hợp sử dụng vốn vay thì trong xu hướng lãi suất đang tăng thì MWG có đảm đương được không, có rủi ro gì trong chiến lược dài hạn hay không? Trường hợp phát hành thêm vốn thì có ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông hiện hữu hay ko? Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2015?
Ông Tài: Kế hoạch mở rộng thị trường sang Myanmar và Campuchia vẫn trong giai đoạn thăm dò, chi phí chỉ vài triệu USD là không đáng kể. do đó MWG chưa có kế hoạch sử dụng vốn vay hay phát hành thêm vốn. Về chính sách cổ tức 2015 cùa MWG là 1.500 đồng cổ phiếu bằng tiền mặt, và ko có kế hoạch chia cổ phiếu thưởng.
NĐT 5: Thông tin về nguồn hàng cung cấp cho MWG? MWG có thế mạnh là tạo sức ép cho nhà cung cấp giảm giá trong môi trường cạnh tranh, tuy nhiên có khi nào MWG bị tạo sức ép ngược lại?
Ông Tài: MWG mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, chiếm khoảng trên 90% từ các nhà sản xuất lớn như Samsung, Apple… Mối quan hệ giữa MWG và các nhà cung cấp là mối quan hệ 2 chiều hỗ trợ lẫn nhau.
NĐT 6: Đặc trưng của Bách hóa xanh là cung cấp sản phẩm tươi sống, tuy nhiên hoạt động này được triển khai tháng đầu nhưng đến nay cũng chưa có tiến triển? Ông có thể cung cấp thêm thông tin?
Ông Tài: Nhóm hàng khó khăn nhất đối vơi Bách hóa xanh chính là nhóm hàng thực phẩm tươi sống. Hiện nay MWG đang nỗ lực để thực hiện và hoàn thiện, hiện chỉ có cửa hàng duy nhất đang triển khai, MWG cũng đặt mục tiêu tháng 6 này phải triển khai được mảng này tại 70% số cửa hàng./