Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như quy trách nhiệm  cho lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương với cổ phần hóa; quy định về việc gắn cổ phần hóa với đưa cổ phần lên giao dịch, niêm yết trên TTCK; bán cổ phần theo lô lớn…, nhưng các đợt đấu giá cổ phần của DNNN vẫn kém sức hút.

 7 tháng đầu năm nay, mới chỉ có 61/289 DN Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch. Nhiều cuộc đấu giá không thành công do tỷ lệ đăng ký quá thấp.

Đơn cử, tại cuộc đấu giá bán cổ phần của Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng được tổ chức vào ngày 24/7 vừa qua, với số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là hơn 12 triệu đơn vị, hối lượng đặt và trúng thầu chỉ đạt… 600 cổ phần, với giá 10.000 đồng/CP, tương đương khoản tiền thu về là 6 triệu đồng.

Trước đó, cuộc đấu giá cổ phần của CTCP Bao bì Sài Gòn (Sapaco) do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nắm giữ cũng chỉ có vỏn vẻn một nhà đầu tư đăng ký tham gia nên đã phải hủy, do không đủ điều kiện để tổ chức.

CTCK An Bình (ABS) mới đây cũng phải hủy phiên đấu giá toàn bộ 11.486.853 cổ phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu tại ABS. Đây là đợt thoái vốn cuối cùng của EVN trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá, vẫn không có NĐT nào đăng ký tham gia.

Nhìn nhận về hoạt động IPO của các DN từ đầu năm đến nay, lãnh đạo một CTCK cho rằng, có những bước tiến về quy mô và tiến độ so với những năm trước. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện gấp rút, thông tin đến công chúng đầu tư còn sơ sài. Tại một số DN vẫn tồn tại khá nhiều khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ, nên cổ phần của các DN này không hấp dẫn giới đầu tư.

Cũng theo vị này, nên chăng mở việc bán cổ phần theo cơ chế bán thoả thuận, bên mua phải được tìm hiểu thông tin kỹ càng về bên bán, được làm việc với bên bán về các cam kết hợp tác sau khi mua cổ phần. Song hiện nay, phương thức bán thoả thuận lại được quy định tương đối hạn chế trong các văn bản hiện hành.

Mặc dù vậy, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động đấu giá cổ phần sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt trong 2 quý cuối năm. Theo kế hoạch, trong quý III/2015, sẽ hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 44 DN và ban hành quyết định công bố giá trị 127 DN và sang quý IV/2015 sẽ hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa của 127 DN nêu trên.

Đồng thời, tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn Nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, vốn Nhà nước ở những DN đã cổ phần hóa và bán cổ phần nhưng chưa bán được như phương án đã được phê duyệt.

Riêng trong tháng 8 tới, tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), dự kiến sẽ diễn ra các đợt IPO của Công ty TNHH MTV Công trình giao thông công chánh (vốn điều lệ 268,7 tỷ đồng, với 19,6 triệu cổ phần đưa ra đấu giá); Công ty TNHH MTV Thương mại và đầu tư Khánh Hòa (vốn điều lệ 251 tỷ đồng, chào bán hơn 25 triệu cổ phần).

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trực thuộc Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) cũng đã lên phương án IPO và là một trong những DN có quy mô vốn lớn được kỳ vọng nhất từ nay đến cuối năm 2015.

Cũng trong quý III/2015, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiến hành rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn tổng thể đối với khoảng 18.990 tỷ đồng tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư.

 

Hoàng Anh

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


Đấu giá cổ phần vẫn ế, vì sao?
Call Now Button