Dù cổ phiếu được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại nhưng khi giá tăng nóng liên tục có thể dẫn đến vượt quá giá trị thực và tạo rủi ro lớn cho người đến sau…
Mặc dù thị trường sụt giảm mạnh trong tuần qua với mức -1,7% của VN-Index, nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá dòng tiền luân chuyển tốt trong các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhóm cổ phiếu kho vận là những mã tăng nóng trong thời điểm thị trường chung lao dốc sụt giảm. Các chuyên gia nhìn nhận đây là kết quả sự sự vận động có định hướng của dòng tiền khi chiến tranh thương mại leo thang.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh mức độ rủi ro của những cổ phiếu tăng nóng. Việc các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại không phải là mới, đã được nhấn mạnh từ trước. Khi giá tăng nóng liên tục có thể dẫn đến vượt quá giá trị thực và tạo rủi ro lớn cho người đến sau.
Đánh giá về thị trường chung, các chuyên gia không tỏ ra bi quan về diễn biến điều chỉnh mạnh hiện tại. Thị trường rơi nhanh đã chạm tới ngưỡng hỗ trợ và có thể thấy dòng tiền tăng lên. Tuy nhiên cơ hội để tăng cao hơn cũng chưa rõ ràng và được nhìn nhận thận trọng và khả năng lớn là thị trường giằng co đi ngang và phân hóa giá giữa các cổ phiếu. Nhà đầu tư được khuyến cáo nên chờ đợi các tín hiệu mới.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Công thương cho biết: xét về phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã “breakout” vượt lên khỏi kênh giá giảm 6 tháng khi vượt mức 970 điểm từ giữa tháng 7 và nhanh chóng gặp phải áp lực điều chỉnh lớn ngay khi chạm ngưỡng kháng cự tâm lý 1,000 điểm. Diễn biến này phù hợp với hiện tượng “throwback” khi chỉ số nhanh chóng bị ném trở về lại và kiểm tra lại vùng giá “breakout” nay đã trở thành ngưỡng hỗ trợ khá tốt.
Không chỉ vậy, chỉ số VN-Index cũng đã xuất hiện các tín hiệu xác nhận “breakout” khá tốt khi tạo đáy tại vùng giá “breakout” ở ngưỡng 960 điểm và chỉ số VN-Index cũng đã tăng được trên 1% từ ngưỡng “breakout mới” 960 điểm.
Do đó, chúng tôi nhận định rằng có khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng mặc dù sẽ khó có thể vượt được ngưỡng kháng cự tâm lý 1,000 điểm.
Tâm điểm của chứng khoán toàn cầu tuần qua là diễn biến phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Các thị trường, trong đó dẫn đầu là chứng khoán Mỹ giảm rất mạnh, ông Việt cho rằng đây thực sự là một rủi ro rất đáng ngại khi việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ làm chao đảo thị trường tiền tệ trong khu vực và trên thế giới, khiến cho dòng vốn sẽ có xu hướng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ vậy, động thái này cũng gián tiếp gây áp lực lên tỷ lệ lạm phát cũng như tỷ giá của đồng VND so với USD, làm ảnh hưởng tới chính sách điều hành tỷ lệ lạm phát của Việt Nam và tỷ giá ngoại tệ để vừa có thể đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu đồng thời không khiến cho Việt Nam nằm trong danh sách “các quốc gia thao túng tiền tệ” theo định nghĩa của Mỹ.
Do đó, chúng tôi đánh giá đây là rủi ro mang tính chất cơ bản và ảnh hưởng tâm lý tiêu cực trên thị trường chứng khoán chỉ là một hệ quả mà thôi.
Mặc dù thị trường giảm tuần qua nhưng có thể thấy sự luân chuyển dòng tiền khá mạnh mẽ với nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh, hết bất động sản khu công nghiệp lại tới nhóm logistic, chia sẻ về điều này ông Việt đồng quan điểm rằng dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục có chiều hướng luôn chuyển giữa các nhóm ngành trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể thấy hai nhóm ngành kể trên đều là các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ việc luôn chuyển dòng vốn đầu tư và xu hướng chuyển dịch nhà máy gây ra bởi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hiện nay.
Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và đích đến có lẽ cũng vẫn là những nhóm ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại hiện nay như dệt may, thủy sản, xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh giá của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã trải qua một thời gian điều chỉnh đủ lâu rồi và Quý 3 cũng thường là giai đoạn ghi nhận tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận của các cổ phiếu này.