Các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh đẩy VN-Index tăng nhưng rất nhiều cổ phiếu tăng yếu, thậm chí không tăng hoặc giảm. Các chuyên gia đều nhìn nhận có hiện tượng như vậy nhưng không cho rằng đó là hành động kéo chỉ số để phân phối.
Thị trường diễn biến khá tốt trong tuần qua, chỉ số tăng 1,1%, và tuy mốc 1.000 điểm chưa tới, nhưng khoảng cách lúc cao nhất cũng chỉ còn dưới 2 điểm. Phiên cuối tuần VN-Index có suy yếu nhưng mức giảm rất nhẹ, ông Nguyễn Hoàng Việt, bộ phận Chiến lược thị trường – Công ty Chứng Chứng khoán Công thương (Vietinbank Securities) cho biết ngưỡng 1.000 điểm vẫn luôn tỏ ra là ngưỡng cản tâm lý mạnh trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã nhiều lần cố gắng chinh phục nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể kỳ vọng thị trường sẽ vượt ngưỡng 1.000 điểm trong tuần giao dịch tới do nếu xét về mặt kỹ thuật thì đồ thị của VN-Index đang hình thành xu hướng vận động giá lên có thể kéo dài trong 1 – 3 tháng.
Chỉ báo RSI vượt đường trung bình 50 và vẫn đang có chiều hướng hướng lên trên cho thấy sức mạnh tương đối của thị trường là rất tốt với dòng tiền tham gia mạnh dạn và dứt khoát hơn. Chỉ báo MACD tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực với MACD > 0 cho thấy dư địa để tiếp tục tăng điểm vẫn còn rất lớn.
Bên cạnh đó, đầu tuần cũng là thời điểm FED sẽ có quyết định chính thức về việc có hạ mức lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ hay không và giới đầu tư trên khắp thế giới vẫn đang vô cùng kỳ vọng vào động thái này của FED. Nếu kịch bản này xảy ra, tôi cho rằng đây sẽ là một cú hích mang chiều hướng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô vẫn khá ổn định.
Về vấn đề lần lượt các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau nâng đỡ VN-Index rất nhiều như VCB, BID hay VIC, VHM. Theo ý kiến của ông Việt thì đây cũng là điều khá dễ hiểu khi thị trường tăng điểm mạnh nhờ những cổ phiếu trên nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư vẫn lỗ hoặc không tăng do mặt bằng chung các cổ phiếu khác vẫn chưa tăng mấy.
Hiệu ứng tăng điểm của VCB, BID, VIC và VHM không tạo được sự lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác và dòng tiền vẫn còn tỏ ra khá thận trọng. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã có một nhịp tăng điểm tốt và khá liên tục nên cần thời gian và “động lực” để có thể vượt ngưỡng 1,000 điểm một cách chắc chắn.
Kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã công bố gần hết. Trừ nhóm ngân hàng đột biến, theo ý kiến của Trung tâm Nghiên cứu Phân tích VietinBank Securities: “Chúng tôi vẫn đánh giá khả quan đối với nhóm cổ phiếu dệt may, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, hàng tiêu dùng và xuất khẩu gỗ. Ở chiều ngược lại, chúng tôi tạm thời duy trì kịch bản theo dõi đối với nhóm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, thủy sản, vận tải biển do đây là các ngành nghề có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá chung và nhà đầu tư cũng nên lưu ý tới những câu chuyện riêng tại những cổ phiếu trên để không bỏ lỡ cơ hội lợi nhuận tiềm năng”