Các chuyên gia đã “xuống tiền” nhiều hơn trong tuần qua khi thị trường có những diễn biến tích cực.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Trung tâm nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Công thương (VietinBank Securities) nhận định:

Tôi cho rằng đây cũng là phản ứng khá dễ hiểu của giới đầu tư trong bối cảnh tình hình vĩ mô thế giới chưa có nhiều biến chuyển mang tín hiệu tích cực và tâm lý thận trọng vẫn còn đang bao trùm khắp thị trường.

Bên cạnh đó, việc chỉ số VN-Index trong quý 2 thường hay “lệch pha” so với chứng khoán thế giới và liên tục giữ vị trí một trong những chỉ số có mức giảm tồi tệ nhất thế giới trong tháng 6 cũng góp phần bào mòn dần niềm tin cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư khi cổ phiếu cơ bản tốt hay không tốt, có ngành nghề được hưởng lợi hay không cũng thi nhau đi tìm đáy mới.

Thanh khoản thị trường yếu kém đúng là có sự đóng góp của yếu tố như tâm lý do dự và thận trọng của giới đầu tư. Bên cạnh đó, đúng là một phần dòng tiền đang có hiện tượng bị điều hướng sang các lĩnh vực khác có tiềm năng hơn như phái sinh, chứng quyền, trái phiếu doanh nghiệp,…

Không chỉ vậy, khi được hỏi về cảm nhận thị trường trong thời điểm hiện tại, không ít nhà đầu tư lại tỏ ra e ngại “nhà cái” hơn là kết quả kinh doanh giảm sút của doanh nghiệp hay rủi ro bất ổn vĩ mô thế giới.

Về quan điểm kỹ thuật, đồ thị chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7 đã chạm đường kháng cự của kênh giá giảm 3 tháng kéo dài từ 19/3. Tại ngưỡng điểm 975 hiện tại, diễn biến giao dịch đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu lưỡng lự và phân vân của cả bên bán lẫn bên mua khiến cho chỉ số VN-Index tăng/giảm không dứt khoát.

Tuy vậy, chỉ báo RSI tiếp tục cho dấu hiệu cải thiện tích cực khi vượt đường trung bình 50 và hướng lên trên cho thấy sức mạnh tương đối của thị trường nhìn chung vẫn đang được duy trì khá tốt. Chỉ báo động lượng MACD cho tín hiệu xác nhận xu hướng tăng tích cực khi đường MACD đã vượt lên khỏi đường 0. Nếu tâm lý lạc quan của bên mua tiếp tục được duy trì, chỉ số VN-Index sẽ dễ dàng vượt mức 975 điểm và hướng tới vùng điểm 990 – 1.000 trong tháng 7, trùng với thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 diễn ra.

Ở kịch bản ngược lại, nếu chỉ số VN-Index gặp áp lực điều chỉnh mạnh tại vùng 975 điểm trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, nỗ lực vượt ra khỏi kênh giá giảm 3 tháng của chỉ số VN-Index sẽ thất bại. Chỉ số VN-Index có nhiều khả năng sẽ về tìm hỗ trợ tại vùng điểm 955 (MA 20).

Tôi hiện vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục hiện tại ở mức 55% và lựa chọn tiếp tục theo dõi thị trường, chờ đợi xác nhận việc chỉ số VN-Index có vượt được kênh giá giảm 3 tháng hiện tại tại ngưỡng 975 điểm hay không.

Dù trong kịch bản nào thì thời điểm giải ngân hợp lý là khi chỉ số VN-Index tìm về vùng hỗ trợ 955 điểm hoặc tăng vượt ngưỡng 975 điểm đi kèm với sự cải thiện của thanh khoản.

Xu thế dòng tiền: Diễn biến tích cực, gia tăng cổ phiếu
Call Now Button