Kỳ 1: Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho cuộc chiến lớn?
Tại Trung tâm Nghiên cứu Công ty chứng khoán Công Thương, chúng tôi cho rằng cụm từ “chiến tranh thương mại” không diễn tả hết bản chất căng thẳng Mỹ – Trung. Mục tiêu của Mỹ, theo chúng tôi, lớn hơn nhiều so với việc giảm thâm hụt trong giao thương với Trung Quốc. Do đó, chính sách thuế mà Mỹ áp dụng chỉ là bước khởi đầu.
Cuộc chiến bảo vệ vị thế:
 
Trong quá khứ, Mỹ thường là nước khởi xướng các cuộc chiến tranh thương mại và các hình thức gây áp lực khác khi vị thế của họ bị đe dọa, Ví dụ như cuộc chiến tranh làm suy yếu Liên Xô kéo dài từ thập kỷ 20 cho đến thập kỷ 80, sau đó là những căng thẳng về thương mại nhắm lên xe hơi từ Nhật Bản.
Lần này, trong căng thẳng Mỹ – Trung, liệu mục đích thực sự mà chính quyền Trump nhắm đến có phải chỉ đơn thuần là tái lập sự công bằng trong giao thương, hay là kìm hãm bước tiến của Trung Quốc vượt lên trở thành cường quốc số 1 thế giới?
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028 với GDP ước đạt 24.1 nghìn tỷ USD.
 
 
Chỉ khoảng vài năm trước, Trung Quốc được coi như một công xưởng, các nhà máy tại nước này thực hiện công đoạn sản xuất – lắp ráp vốn nhận được ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu (GVC). Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ bằng cách từng bước leo lên chiếm lĩnh các khâu mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn, các thương hiệu của Trung Quốc ngày càng lớn hơn và người Trung Quốc ngày càng có nhiều sản phẩm tinh vi hơn.
Ở mỗi thời kỳ khác nhau của kinh tế sẽ có những sản phẩm, hàng hóa then chốt khác nhau giúp cho nước nào nắm giữ nó có nhiều lợi thế. Dầu mỏ của thế kỷ 20 đã giúp kinh tế Liên Xô phát triển trở thành một đối trọng trên bản đồ địa chính trị toàn cầu cũng như xe hơi của những năm 70 đã giúp Nhật Bản vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Với chiến lược “Made in China 2025”, Trung Quốc đã thể hiện rõ tham vọng làm chủ được những ngành công nghệ cao và then chốt của tương lai. Nếu chiến lược này thành công, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên nắm giữ những khâu có giá trị gia tăng cao hơn mà Mỹ đang nắm giữ.
 
 
Lý thuyết đường cong nụ cười (Nguồn: Diễn đàn kinh tế thế giới 2012)
 

Rõ ràng Mỹ sẽ không muốn đánh mất vị thế cường quốc công nghệ của mình vào tay đối thủ. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại đang sử dụng những cách thức hết sức thiếu công bằng để đạt được mục đích của mình như thúc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ hay thậm chí là ăn trộm các công nghệ đó. Đây là điều khiến người Mỹ và cả các đồng minh của họ cảm thấy tức giận.

Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng bành trướng sức mạnh của mình với chiến lược “bẫy nợ” thông qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, cho các nước nghèo vay tiền xây dựng hạ tầng họ không thực sự cần. Đây là cách mà Trung Quốc đang thể hiện vai trò nước lớn và xác lập vị thế “đàn anh” trên trường quốc tế.
Trong bài “hịch tướng sỹ” về chính sách đối ngoại với Trung Quốc ngày 04/10, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra lập trường hết sức cứng rắn, cáo buộc chính phủ Trung Quốc sử dụng các biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự và truyền thông không chính xác để đạt được lợi thế trước Mỹ và các nước khác. Theo góc nhìn của chúng tôi, đây là một tuyên bố chính thức của chính quyền Trump về việc gia tăng áp lực nhắm vào nhiều góc cạnh của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hơn thế nữa, nước Mỹ đã sẵn sàng hy sinh những lợi ích ngắn hạn để giữ vững vị thế của mình. Từ “chiến tranh” vốn dĩ đã chỉ ra rằng cả 2 phía sẽ phải chịu tổn thất. Các cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ gây ra trong lịch sử cho thấy kinh tế nước Mỹ không hề khởi sắc mà thậm chí còn xấu đi, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng trực tiếp bị thiệt hại.
IMF mới đây hạ dự báo tăng trưởng năm 2018 của Mỹ từ 2.7% xuống 2.5%. Điều đó có nghĩa là 14.000 công ăn việc làm sẽ không được tạo ra. Các nhà kinh tế học của Oxford Economics cũng cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ mất từ 0,1 – 0,2% tăng trưởng GDP năm 2018 khi nhận định về tác động của cuộc chiến này.
Sẽ đánh thuế toàn diện lên hàng xuất khẩu Trung Quốc?
 
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ở gói thuế trừng phạt vòng 2: Mỹ đặt kế hoạch áp thuế 25% từ 1/1/2019 lên tổng cộng 238 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc dọa đánh thuế 25% lên 110 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ và hiện đã giảm giá đồng nội tệ -5.53% từ đầu năm tới nay. Những tính toán của chúng tôi cho thấy, Mỹ vẫn chưa hề đạt được lợi thế nếu chỉ tính trên tương quan thương mại khi dừng lại ở gói 200 tỷ vừa rồi.
Gần đây nhất, Trump đã trả lời báo chí rằng chắc chắn gói thuế trị giá 267 tỷ USD sẽ được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc. Theo chúng tôi, mức thuế suất áp lên gói hàng hóa này sẽ là 25% vào khoảng giữa năm 2019.
Để có thể cân bằng lại tác động của đợt thuế này trên phương diện thương mại song phương thì Trung Quốc phải phá giá thêm 9.5% đồng CNY hoặc giảm thuế hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Với điều kiện nào thì chiến tranh thương mại hạ nhiệt?
 
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những hành động của phía Mỹ nhận được sự ủng hộ của người dân Mỹ và họ sẽ không chấp nhận sự thiếu công bằng mà chính quyền Trung Quốc đang đối xử với mình. Những căng thẳng thương mại và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể hạ nhiệt nếu như phía Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ một phần các yêu cầu mà Mỹ đề ra, mở cửa thị trường một cách đúng nghĩa cũng như ngừng việc ăn cắp công nghệ của các doanh nghiệp Mỹ.
Vấn đề quyền tự do ngôn luận có thể là một điều kiện để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến này. Việc “cấm” Google, Facebook và ngăn chặn các thông tin bất lợi từ lâu đã là cách thức mà Trung Quốc sử dụng để bảo vệ an ninh quốc gia của mình.
Tuy nhiên, còn một lý do không phải ai cũng biết đó là Trung Quốc còn sử dụng hình thức này để định hình tư duy của người mua hàng có lợi cho các doanh nghiệp nội địa. Đây cũng là một yếu tố người Mỹ muốn giải quyết vì lợi ích lâu dài của họ.
Trung Quốc sẽ không dễ dàng để chấp nhận các điều kiện nêu trên vì thế Mỹ sẽ áp dựng các biện pháp sâu rộng hơn nhằm buộc Trung Quốc phải khuất phục?  (kỳ 2: các biện pháp toàn diện nhắm vào ‘điểm yếu’ Trung Quốc)
Trung tâm nghiên cứu Công ty chứng khoán Công Thương

 

 

 


Cục diện kinh tế toàn cầu sau chiến tranh thương mại
Call Now Button