Năm 2016, nhờ giá thép thế giới phục hồi mạnh và việc chính phủ áp thuế tự vệ tạm thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến một năm bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Tính trung bình, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng 14,34% và 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%. Trong quý 2/2017, ngành thép tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi sản phẩm tôn mạ được áp thuế tự vệ chính thức. Liệu câu chuyện tăng trưởng của ngành như năm 2016 có được lặp lại? Triển vọng ngành thép sẽ ra sao trong các năm 2017-2020? Câu trả lời sẽ có trong buổi hội thảo “Đối thoại ngành thép: Triển vọng 2017- 2020. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Thép Nam Kim” do Hiệp hội Thép Việt Nam, Quỹ đầu tư Dragon Capital, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities) và Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức.

 

Thời gian: 15h30, thứ Hai, 12/6/2017

Địa điểm: Hội trường tầng 11, Sở GDCK TP. HCM. Số 16 Võ Văn Kiệt, Q.1, TP. HCM

Hiện đã có hơn 200 NĐT và 20 phóng viên báo chí tham dự hội thảo.

 

Đến tham dự Hội thảo gồm có:

Đại diện từ quỹ Đầu tư Dragon Capital: Ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc nghiệp vụ đầu tư Dragon Capital 

Đại diện từ Hiệp hội thép Việt Nam: TS. Nguyễn Văn Sưa  Phó Chủ tịch Hiệp hội

Đại diện từ Doanh nghiệp: Ông Phạm Mạnh Hùng  Chủ tịch/Tổng GĐ CTCP Thép Nam Kim

Đại diện từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam: Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám đốc VietinbankSc và Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu

 

 

(Ảnh:  Nhà đầu tư tham dự hội thảo)

 

Mở đầu buổi hội thảo, Ông Khổng Phan Đức – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương có bài phát biểu về mục đích tổ chức buổi hội thảo. Ông cho biết, từ năm 2015, với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, đưa đến cho nhà đầu tư những thông tin về thị trường, những nhận định đánh giá về các cơ hội đầu tư tiềm năng về ngành, về doanh nghiệp, VietinBank Securities đã liên tục tổ chức các hội thảo và nhận được đánh giá tốt từ các nhà đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 2 năm thực hiện, VietinbankSc đã tổ chức 14 hội thảo chứng khoán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hút hơn 2.500 lượt người tham dự. Đây là năm thứ 3 VietinbankSc thực hiện việc tổ chức hội thảo hỗ trợ cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư.

 

Trong năm 2016 và Q1/2017, VietinbankSc đã phối hợp với CTCP Đầu tư Thương mại SMC và CTCP Ống thép Việt Đức tổ chức được 2 hội thảo ngành thép. Các hội thảo đã cung cấp cho NĐT những thông tin quý giá về triển vọng của dòng thép xây dựng, ống thép cũng như hoạt động thương mại thép. Nối tiếp thành công của 2 buổi hội thảo trước, VietinbankSc tiếp tục tổ chức buổi hội thảo ngày hôm nay, tập trung kĩ hơn vào triển vọng các sản phẩm tôn mạ. Tại buổi hội thảo, các NĐT sẽ được giao lưu với CTCP Thép Nam Kim (NKG) – doanh nghiệp đang nắm giữ 14% thị phần tôn mạ nội địa. Bên cạnh đó, với sự hiện diện của quỹ Dragon Capital, các nhà đầu tư cũng sẽ nhận được những tư vấn về ngành thép trên quan điểm của quỹ đầu tư tài chính lớn nhất Việt Nam.

 

HIỆN TRẠNG NGÀNH THÉP VIỆT NAM

 

Hội thảo được diễn ra theo format một buổi tọa đàm, giúp NĐT có thêm nhiều thời gian tương tác với các diễn giả. Mở đầu buổi tọa đàm là phần thảo luận về chuỗi giá trị ngành thép, với phần trình bày chính của TS. Nguyễn Văn Sưa

 

 

Chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam bao gồm cả 2 công nghệ của ngành thép thế giới: công nghệ lò cao BOF và lò điện EAF. Theo TS. Sưa, khoảng 70% các doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng lò điện EAF. Chuỗi giá trị ngành thép gồm các khâu: khai thác, chế biến thượng nguồn từ quặng, tới luyện gang, luyện thép, cán thép và gia công sau cán. Trong năm 2016,  Việt Nam đã sản xuất được 3,6 triệu tấn CRC, thép xây dựng 8,6 triệu tấn và 5,45 triệu tấn các sản phẩm ống thép, tôn mạ. Cho đến nay, sản xuất phôi dẹt (slab), thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được, gần như phải nhập khẩu 100% các sản phẩm này.

 

Bổ sung nhận định của TS. Sưa, ông Khổng Phan Đức – Tổng GĐ VietinbankSc cung cấp thêm các thông tin về chi phí sản xuất thép theo 2 công nghệ BOF và EAF. Theo ông Đức, để sản xuất 1 tấn phôi, chi phí sản xuất trực tiếp của lò BOF sẽ tiết kiệm hơn so với lò EAF khoảng 100 USD. Nhờ vậy, hoạt động theo lò BOF giúp doanh nghiệp đạt được biên lợi nhuận cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn so với lò EAF.

 

Ngành thép vẫn là ngành nhập siêu

 

Từ năm 2013-2016, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng trung bình 21,64% và 25,7%. Ông Sưa cũng như các diễn giả khác cho rằng, nguyên nhân chính do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản nên có nhu cầu tiêu thụ thép cao. Tuy nhiên, do chuỗi giá trị chưa được hoàn thiện nên ngành thép Việt Nam phải nhập rất nhiều sản phẩm thép HRC, thép chế tạo, thép hợp kim…

 

Năm 2016, sản lượng thép nhập khẩu đạt 22,7 triệu tấn, trong đó thép hợp kim chiếm 27%, HRC chiếm 24,6% và thép phế 17%. Ngành thép nội địa mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép & tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Một số sản phẩm như tôn mạ màu, ống thép… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Trong vòng 5 năm tới, lượng nhập siêu của ngành thép được kì vọng giảm dần khi Hòa Phát và Formosa bắt đầu sản xuất HRC.

 

Lượng thép tiêu thụ/đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển khác

 

Theo số liệu 2015, lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam đạt 195 kg/người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1.136 kg/người). Điều này thể hiện ngành thép trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Bổ sung về nhận định trên, ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám đốc VietinbankSc đã so sánh số liệu của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực. Theo đó, tiêu thụ thép/người tại Việt Nam mặc dù cao hơn so với Phillipines (101kg) và Indonesia (53kg) nhưng vẫn thấp hơn 20-50% so với Thái Lan (246 kg) và Malaysia (383 kg).

 

TỔNG QUAN NGÀNH THÉP 2016 – Q1/2017

 

Trong năm 2016, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành thép nhìn chung đều có xu hướng tăng mạnh. Lý giải hiện tượng trên, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn đưa ra 2 nguyên nhân chính :

 

(1) Sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép đều tăng mạnh nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhu cầu xây dựng căn hộ tăng cao giúp các doanh nghiệp HPG, HSG và NKG hoạt động gần như tối đa công suất.

 

(2) Giá thép thế giới phục hồi mạnh, kéo theo sự phục hồi của giá thép trong nước giúp các doanh nghiệp như HPG, HSG, NKG… mở rộng biên lợi nhuận gộp. Trong năm 2017, ông Tuấn nhấn mạnh yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các doanh nghiệp thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm 2016.  Để minh họa cho nhận định này, ông chỉ ra tại Q1/2017, lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp thép như VGS, TIS, thậm chí là HSG đã tăng trưởng chậm lại.

 

 

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Võ Nguyễn Khoa Tuấn, TS. Sưa – phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam có bổ sung, năm 2017 tuy ngành thép không còn mức tăng trưởng đột biến nhưng giá thép sẽ không thể rơi về mức thấp như năm 2014 và 2015.

 

TRIỂN VỌNG NGÀNH THÉP 2017 – 2020

 

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn được dự báo tăng trưởng trung bình 12%/năm

 

Theo TS. Nguyễn Văn Sưa, Bộ Công Thương đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành thép đến năm 2035. Trước mắt năm 2020, để phụ vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sản lượng thép sản xuất ước cần đạt 22-26 triệu tấn thành phẩm, 18 triệu tấn phôi và 8 triệu tấn gang. Trong năm 2017, sản lượng thép thành phẩm ước tăng trưởng 12% so với năm 2016, trong đó:

 

·       Thép xây dựng : 11%, sản lượng 9,6 triệu tấn

·       Thép lá cuộn cán nguội : 13%, sản lượng 4,1 triệu tấn

·       Thép ống hàn : 15%, sản lượng 2,3 triệu tấn

·       Tôn mạ và sơn phủ màu : 12%, sản lượng 3,8 triệu tấn

 

Tự do thương mại thép – gia tăng áp lực cạnh tranh

 

Tính đến 2016, Việt Nam đã đã ký kết 12 FTA song phương và đa phương, đang đàm phán 4 FTA và đang xem xét 1 FTA, ngành thép Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với ngành thép thế giới. Theo các cam kết về thuế quan của các FTA đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% – 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn, để tiếp tục tồn tại và phát triển cần phải không ngừng nâng cao tính cạnh tranh.

 

Ngành thép sẽ có sự phân hóa theo chuỗi giá trị

 

Để đối mặt với áp lực cạnh tranh trên, các diễn giả cho rằng các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị. Ngành thép sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Theo đó, các doanh nghiệp hoàn thiện được chuỗi giá trị như HPG, HSG, hay NKG sẽ bật lên mạnh mẽ, chống chịu rủi ro tốt hơn so với các doanh nghiệp thương mại, hoặc gia công thép đơn giản.

 

Cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt sẽ có 3 hướng đi chính: 

 

(1) Tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín.

 

Ông Tuấn Võ chỉ ra HPG là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi này và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua. Việc tổ chức quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, với chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn.

 

(2) Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ

 

Hiện nay năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Do đó, việc khai thác thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1.3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA). Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt.

 

(3) Mở rộng mạng lưới bán hàng, nâng cao năng lực quản trị

 

Xây dựng một hệ thống phân phối mạnh giúp các doanh nghiệp chủ động, và có vị thế hơn trong việc áp định giá bán. Mô hình này được áp dụng thành công bởi Thép Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen. Điển hình như năm 2015, khi giá HRC giảm nhưng giá bán thành phẩm tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen lại giảm chậm hơn giá HRC, giúp biên lợi nhuận gộp được duy trì.

 

Về yếu tố nâng cao năng lực quản trị, ông Khổng Phan Đức dẫn chứng về sự cải thiện tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu của HPG và NKG. Từ năm 2012-2016, mặc dù doanh thu của 2 Công ty này tăng mạnh nhưng tỷ lệ chi pí quản lý doanh nghiệp lại giảm dần cho thấy tính hiệu quả trong quản lý. 

 

Cập nhật ảnh hưởng thuế tự vệ

 

Theo Ông Tuấn Võ, việc áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá là một chính sách hoàn toàn đúng đắn của chính phủ Việt Nam. Cuối 2015 – giữa 2016, sản lượng tôn mạ Trung Quốc ước tính chiếm 50% thị phần tại Việt Nam. Vì vậy, việc áp thuế là cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể có thời gian đầu tư công nghệ, nguồn lực để cạnh tranh với thành phẩm Trung Quốc.

 

GIAO LƯU CTCP THÉP NAM KIM

 

Để làm rõ hơn về việc các doanh nghiệp ngành thép đối mặt ra sao với biến động giá nguyên vật liệu và áp lực cạnh tranh, ông Hùng – Tổng GĐ, đã thay mặt CTCP Thép Nam Kim giới thiệu cho NĐT trực tiếp về cách thức vượt qua khó khăn của doanh nghiệp.

 

Vị thế của NKG trong ngành

 

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim được thành lập vào năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các loại tôn mạ kẽm, tôn kẽm mạ màu, ống thép được ứng dụng trong các công trình xây dựng, công nghiệp, dân dụng, các ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất. Sản phẩm của Công ty được phân phối rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam và một số nước trong khuvực Đông Nam Á. Năm 2011, Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch HoSE với mã NKG. Từ việc chỉ chiếm 4% thị phần tôn mạ, hiện tại, NKG đã vươn lên trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 Việt Nam, chiếm 14,8% thị phần tôn mạ. Bên cạnh đó, sản phẩm ống thép cũng tăng trưởng nhanh từ năm 2011 – nay, thị phần tăng từ 0,25% lên 5,14%.

 

Năm 2016, NKG đã thu về 8.941 tỷ đồng doanh thu (+55% yoy) và lợi nhuận 517 tỷ đồng (+310% yoy). Kết quả này giúp Công ty xếp hạng 61 trong danh sách các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, và giành giải thưởng top 50 doanh nghiệp tư nhân xuất sắc nhất Việt Nam do VNR500 trao tặng. 

 

Thị trường tiêu thụ

 

Theo ông Hùng, trong 419.680 tấn tôn mạ và 96.304 tấn ống thép sản xuất 2016, sản phẩm ống thép được tiêu thụ nội địa 100%; dòng tôn mạ được xuất khẩu 70%. Thị trường xuất khẩu truyền thống của NKG gồm các nước Đông Nam Á như: Indonesia (56% sản lượng), Thái Lan (5-10%) và Malaysia (7-8% sản lượng). Riêng năm 2016, Công ty đã tìm thêm được thị trường Mỹ và Mexico. Lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm 12% và 8% tổng sản lượng, tăng 15 lần so với năm năm 2015.

 

Lợi thế cạnh tranh của NKG – câu chuyện về hoàn thiện chuỗi giá trị

 

Để đạt được những thành tựu như trên, ông Hùng cho rằng, sự thành công chủ yếu đến từ việc lãnh đạo NKG đã nhìn nhận cơ hội, thực hiện đầu tư nhà máy Nam Kim 2 từ năm 2012-2015, đưa năng lực sản xuất CRC lên 400.000 tấn/năm. Công ty chỉ phải nhập HRC nên loại trừ được tác động của giá CRC lên biên lợi nhuận gộp. Nhờ vậy, trong năm 2014-2015, khi ngành thép đang bước vào giai đoạn khó khăn, hoạt động kinh doanh của NKG vẫn duy trì được lãi và mức EPS trên 2 nghìn đồng/cp, không bị lỗ như các doanh nghiệp thép khác.

 

Triển vọng phát triển trong tương lai

 

Hiểu được mối quan tâm của NĐT về triển vọng phát triển của công ty trong thời gian tới, ông Hùng nhấn mạnh NKG vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất và kép kín chuỗi giá trị. Trong Q3/2017, Công ty sẽ đưa vào vận hành 2 dây chuyền cán nguội tại nhà máy Nam Kim 3, nâng công suất CRC lên 1 triệu tấn/năm. Đây là tiền đề quan trọng giúp NKG mở rộng năng lực sản xuất tôn mạ và ống thép. Trong năm 2020, sản lượng thành phẩm của NKG được kì vọng sẽ đạt 1,2 triệu tấn, tăng trưởng 2,2 lần so với hiện tại. Bên cạnh phát triển thị trường trong nước, Nam Kim vẫn sẽ đẩy tìm kiếm cơ hội, phát triển hoạt động xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Châu Âu…

 

Về việc ảnh hưởng của thuế tự vệ tôn mạ, ông Hùng cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng trưởng tiêu thụ tôn mạ tại thị trường nội địa. Sản lượng tôn màu nội địa theo đó có thể gia tăng 300.000 – 400.000 ngàn tấn/năm. Tận dụng cơ hội trên, Nam Kim đã thực hiện đầu tư thêm 1 dây chuyền tôn mạ 250.000 tấn trong năm 2017, dự kiến hoàn thành vào Q1.2018, đưa năng lực sản xuất của Nam Kim lên 1,25 triệu sản phẩm/năm.

 

 

CƠ HỘI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU THÉP

 

Tiếp theo, ông Khổn Phan Đức đưa ra những thông tin về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép. Trong đó, mở đầu bằng những thông tin liên quan tới năng lực sản xuất, sản lượng, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất thép; và quy mô kinh doanh, thị phần của các doanh nghiệp thương mại thép niêm yết; cùng với đó là thông tin về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong năm 2015 và năm 2016 để nhà đầu tư có thể so sánh sự biến động trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong giai đoạn thăng trầm này. Nhìn chung, doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt với LNST đều đạt tăng trưởng so với năm 2015. Ông Đức cũng tổng hợp thêm, trong 1 năm trở lại đây, cổ phiếu ngành thép đạt mức tăng giá trung bình 46%.

 

Để trả lời cho câu hỏi “Ngành thép thực sự còn hấp dẫn với nhà đầu tư”, đại điện từ DC – ông Tuấn Võ cho rằng, P/E ngành thép vẫn ở mức tương đối thấp. Ông Tuấn dẫn chứng ví dụ cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt như BMP hay PTB hiện tại đang giao dịch ở mức P/E là 13-15 lần, tương đương với P/E Vn-Index. Trong khi đó, năm 2012, các cổ phiếu này cũng chỉ có mức P/E dưới 5 lần.

 

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh thêm, nhiều nhà đầu tư không thật sự hiểu rõ về sự hoạt động của các doanh nghiệp thép. Tuy giá thép thế giới biến động mạnh nhưng các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đều vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Ví dụ, trong giai đoạn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của HPG đạt 29,5%, cao hơn mức tăng 29% của VNM. Trong khi đó, HSG và NKG đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng trong 3 năm trở lại đây. Lợi thế này có được nhờ việc hoàn thiện chuỗi giá trị, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận gộp. Mức ROE của các công ty thép Việt Nam đều trên 20%/năm, vượt trội khi so với các doanh nghiệp thép khác trong khu vực.

 

 

 

 














[TRỰC TIẾP] Hội thảo Đối thoại ngành Thép: Triển vọng 2017 – 2020. Gặp gỡ Công ty Cổ Phần Thép Nam Kim
Call Now Button