Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC (SMC) phối hợp tổ chức hội thảo “Ngành thép Việt Nam – Thăng trầm và triển vọng. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại SMC (SMC)”.
Thời gian: 15h30, thứ hai, ngày 07/11/2016.
Địa điểm: Trụ sở HOSE, 16 Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM.
Hiện đã có hơn 200 NĐT và hơn 15 phóng viên báo chí tham dự hội thảo.
Đến tham dự Hội thảo gồm có:
Đại diện từ HOSE: Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ;
Đại diện từ Hiệp hội Thép Việt Nam: TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Đại diện từ SMC: Ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC;
Đại diện từ Công ty Chứng khoán Công Thương: Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là buổi hội thảo thứ 4 HOSE phối hợp với VietinBank Securities tổ chức, cũng là một trong số chuỗi hội thảo được tổ chức theo bộ phận ngành mà HOSE đầu năm đã giới thiệu. Đầu năm 2016, HOSE đã giới thiệu bộ chỉ số ngành theo chuẩn MSCI gồm 10 ngành. Đây là nỗ lực HOSE để đưa thị trường Việt Nam gần hơn với khu vực và nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới. HOSE vui mừng chào đón quý vị lãnh đạo đến từ Hiệp hội Thép Việt Nam, CTCP Đầu tư thương mại SMC và VietinBank Securities đển dự hội thảo với chủ đề được nhà đầu tư mong đợi. HOSE mong rằng với chuỗi tổ chức này, sẽ giúp cung cấp cho nhà đầu tư thông tin rộng hơn về phía cạnh ngành và chi tiết hơn về phía doanh nghiệp hoạt động trong ngành đó.
Bà Đào cũng nhấn mạnh thêm, đối với ngành thép, theo hệ thống phân loại là thuộc phân ngành nguyên vật liệu. 9 tháng đầu năm đến nay, chỉ số nhóm ngành này đã tăng 45%, phần nào chứng tỏ rằng đây là một ngành được nhà đầu tư rất quan tâm. Bà Đào mong rằng buổi gặp gỡ hôm nay sẽ đem đến cho nhà đầu tư thông tin thiết thực, tận dụng cơ hội này để đặt ra câu hỏi cho các quý vị lãnh đạo, để đúc kết thêm thông tin cho bản thân trong quá trình đầu tư.
(Ảnh: Bà Trần Anh Đào – PTGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh)
Ngành Công nghiệp thép Việt Nam và Quá trình hội nhập
Mở đầu buổi Hội thảo là phần trình bày của Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam về “Ngành công nghiệp thép Việt Nam và quá trình hội nhập”. Phần trình bày của Ông Sưa gồm 4 nội dung chính: (1) Tổng quan về ngành thép thế giới; (2) Hiện trạng ngành thép Việt Nam; (3) Quá trình hội nhập; và (4) Triển vọng ngành Thép trong thời gian tới.
(1) Tổng quan ngành thép Thế giới
Giai đoạn thăng trầm ngành thép thế giới. Theo ông Sưa, từ giữa thế kỷ 20, ngành thép Thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng từng giai đoạn, cụ thể: 1950-1970: phát triển nhanh (5,1-7,4%/năm); 1970-2000: tiêu điều (-0,5-2,5%/năm); 2000-2005: phát triển rất mạnh, 6,2%/năm (thời kỳ ngành thép Trung Quốc trỗi dậy kéo theo ngành thép Thế giới phát triển nhanh); 2005-2010: phát triển khá, 4,5%/năm; 2010-2015: chững lại, 2,5%/năm; Năm 2015 : giảm 2,9%.
Sản lượng sản xuất thép thế giới giữ mức tăng trưởng đều giai đoạn 2011-2014 với tốc độ 3,8%/năm đạt 1.670 triệu tấn/năm năm 2014. Tuy nhiên, tới năm 2015, sản lượng sản xuất chỉ đạt 1.621 triệu tấn (-2,9% y-o-y) nên kéo theo tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2011-2015 xuống còn 2,5%/năm. Sản lượng tiêu thụ trong năm này cũng giảm 1,7% từ 1.546 triệu tấn năm 2014 xuống còn 1.500 triệu tấn năm 2015; cho thấy rõ sự suy giảm của ngành thép toàn cầu.
Trung Quốc – quốc gia dẫn đều về năng lực cạnh tranh ngành thép. Theo số liệu cung cấp bởi hiệp hội Thép, sản lượng thép năm 2015 của Trung Quốc đang dẫn đầu với 803,8 triệu tấn. Nhật Bản đứng thứ hai với 105,2 triệu tấn. Theo sau là các quốc gia Ân Độ 89,4 triệu tấn, Mỹ 78,8 triệu tấn, Nga 70,9 triệu tấn và Hàn Quốc 69,7 triệu tấn. Trong lĩnh vực xuất khẩu thép, Trung Quốc cũng bỏ xa các cường quốc thép khác với 112 triệu tấn thép xuất khẩu năm 2015. Ông Sưa cho rằng, một trong những lý do giúp thép Trung Quốc cạnh tranh mạnh về giá với các sản phẩm thép của quốc gia khác là nhờ vào chính sách thúc đẩy xuất khẩu thép của Trung Quốc. Cụ thể là hoàn thuế VAT cho xuất khẩu thép, nhất là đối với thép “hợp kim” chứa B, Cr. Ngoài ra, từ 1/1/2016 sẽ tiếp tục giảm thuế xuất khẩu gang xuống 10% và phôi thép xuống 20% so với trước đây là 25% với cả 2 mặt hàng trên. Cũng theo phân tích của ông Sưa, trong thời gian tới, Ấn Độ có tiềm năng lớn sẽ trở thành cường quốc thép thứ hai trên thế giới.
Tiếp theo phần trình bày về ngành thép thế giới, ông Sưa phân tích diễn biến giá nguyên liệu trong giai đoạn từ giữa 2014 tới đầu năm 2016, từ giá quặng, giá than mỡ cho tới giá phôi thép, giá thép cuộn nóng để nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những biến động của ngành thép trong giai đoạn này. Giá thép và nguyên liệu thép đã xuống mức đáy cuối năm 2015 đầu năm 2016 và bắt đầu hồi phục trở lại từ tháng 5/2016. Tuy nhiên, giá nguyên liệu vẫn có những diễn biến tăng, giảm phức tạp và chưa cho thấy xu thế ổn định trở lại.
(Ảnh: TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam)
(2) Hiện trạng ngành thép Việt Nam
Trong phần trình bày này, ông Sưa cung cấp cho nhà đầu tư thông tin tổng quan về ngành công nghiệp thép Việt Nam với 4 phân ngành chính là (1) Luyện gang; (2) Luyện thép; (3) Cán thép; (4) Gia công sau cán; cùng với đó là thông tin cụ thể về thiết bị, tổng công suất thiết kế và sản lượng sản xuất của từng phân ngành trong 3 năm từ 2013 đến 2015 và ước tính sản lượng năm 2016. Hiện tại, năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam là:
– Thép dài của Việt Nam là 12,6 triệu tấn/năm,
– Cán nguội sản phẩm dẹt là 5,75 triệu tấn/năm,
– Sản xuất ống thép hàn là 3 triệu tấn/năm,
– Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 4,95 triệu tấn/năm.
Sản lượng sản xuất ước tính năm 2016 đạt 8,25 triệu tấn thép dài, 3,5 triệu tấn CRC, 1,75 triệu tấn ống thép và 3,7 triệu tấn tôn mạ.
Ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phôi thép ở mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn (trong đó sản phẩm dẹt là 4 triệu tấn, tôn mạ 1,5 triệu tấn, 0,5 triệu tấn thép không gỉ và 6 triệu tấn thép hợp kim). Ông Sưa cũng đưa ra con số dự báo cho tổng lượng tiêu thụ thép trong năm 2016 sẽ là 20,5 triệu tấn (so với 18,25 triệu tấn năm 2015). Như vậy, nếu theo ước tính này, sản lượng thép tính theo đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 200kg/ người năm 2015 lên 220kg/người.
Thông qua phân tích những số liệu chi tiết, để khái quát hiện trạng ngành thép Việt Nam, ông Sưa cho rằng, hiện nay, sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép & tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Ngoài ra, các sản phẩm thép xuất khẩu chủ lực bao gồm tôn mạ, ống thép và thép cán nguội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều thép, chủ yếu là những sản phẩm trong nước chưa cung ứng được như HRC, thép chế tạo,v.v.
(Ảnh – Đông đảo các NĐT đã tham gia theo dõi hội thảo)
(3) Quá trình hội nhập và triển vọng ngành thép Việt Nam
Trước khi phân tích triển vọng ngành thép Việt Nam trong tương lai, ông Sưa tổng hợp cho nhà đầu tư những thông tin về quá trình tự do hóa thương mại thép, cho thấy xu hướng xuất nhập khẩu thép trên thế giới trong năm 2015. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 6 về nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, với việc đã ký kết 12 FTA song phương và đa phương, đang đàm phán 4 FTA và đang xem xét 1 FTA, ngành thép Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng với ngành thép thế giới. Theo các cam kết về thuế quan của các FTA đã ký kết, thuế suất nhập khẩu trung bình của thép và các sản phẩm thép vào Việt Nam sẽ chỉ dao động ở mức 0,69% – 7,55% trong giai đoạn 2015-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tiếp theo. Do đó, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn, để tiếp tục tồn tại và phát triển cần phải không ngừng nâng cao tính cạnh tranh.
Với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước vẫn còn rất lớn, Hiệp hội thép đưa ra số liệu dự báo về sản lượng thép Việt Nam tới năm 2020 là 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm; và tầm nhìn tới năm 2025 là 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm. Do đó, dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thép vẫn còn rất lớn.
Triển vọng ngành thép Việt Nam – Cơ hội đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp thép.
Nội dung tiếp theo của buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc) về Triển vọng ngành thép Việt Nam sau thăng trầm – Cơ hội đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp thép.
Chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam
Trong phần này, ông Đăng đem đến cho NĐT thông tin về chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam, từ khâu khai thác, chế biến thượng nguồn từ quặng, tới luyện gang, luyện thép, cán thép và gia công sau cán, với thông tin cụ thể về năng lực sản xuất nội địa của từng khâu của chuỗi giá trị. Cụ thể, trong năm 2015, sản lượng sản xuất gang trong nước là 1,7 triệu tấn, phôi thép dài là 5,6 triệu tấn, thép dài là 7,2 triệu tấn, thép cuộn cán nguội là 5,9 triệu tấn và các sản phẩm gia công sau cán là 4,8 triệu tấn.
Cho tới năm 2015, sản xuất phôi slab, thép cuộn cán nóng chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Cùng với đó, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Chính vì vậy, trong năm 2015, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước nhập siêu thép trên thế giới.
Biến động thị trường thép thế giới 2013-2015, giá quặng sắt liên tục ghi nhận mức thấp kỷ lục
Bên cạnh những thông tin về những biến động thăng trầm của ngành thép thế giới trong 3 năm vừa qua như TS. Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đã đề cập trong phần trình bày trước, ông Đăng điểm lại những thông tin gây xáo động thị trường thép thế giới trong giai đoạn tụt dốc 2014-2015.
Giá quặng sắt liên tục ghi nhận mức thấp kỷ lục. Tại ngày 24/11/2015, giá quặng sắt 62% Fe giảm còn 43,4 đô la Mỹ/ tấn kể từ tháng 11/2008. Tuy nhiên, đó chưa phải mức đáy khi giá quặng tiếp tục lao dốc vào đầu năm 2016 xuống còn 35,5 đô la Mỹ/tấn. Cuộc khủng hoảng thép lan rộng trên toàn cầu, từ châu Âu, Mỹ cho tới châu Á. Ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thép như ArcelorMittal cũng phải đóng cửa nhà máy ở Tây Ban Nha. Tại Anh, khủng hoảng ngành thép gây ra tình trạng thất nghiệp cho hơn 5.000 công nhân. Ngành công nghiệp thép nước Mỹ ghi nhận khoản lỗ gần 1 tỷ đô la Mỹ trong riêng quý 4/2015.
Tuy nhiên, bên cạnh sự sụt giảm của toàn thị trường, sự thua lỗ của hầu hết các doanh nghiệp thép lớn, vẫn còn một vài điểm sáng tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn này, chủ yếu đến từ các công ty tham gia vào khâu cuối của chuỗi giá trị thép, sản xuất các sản phẩm thép công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cho ngành sản xuất ô tô. Cụ thể như Voestalpine AG – một công ty sản xuất thép phụ trợ của Áo đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 26,6% trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2014-2015 (từ 1/4/2016 đến 31/12/2016).
(Ảnh: Ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu VietinbankSc)
Phân tích nguyên nhân của khủng hoảng ngành thép toàn cầu
Sau thông tin về những biến động lớn của ngành thép thế giới được đề cập trên khắp các mặt báo trong giai đoạn cuối 2015 đầu năm 2016, ông Đăng đi vào phân tích nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng ngành thép toàn cầu. Theo ông Đăng, việc giá thép thành phẩm giảm nhanh hơn giá nguyên liệu sản xuất là nguyên nhân chính châm ngòi cho cuộc khủng hoảng.
(1) Khi giá quặng sắt giảm, giá thép thành phẩm thường phản ứng nhanh theo đà giảm này. Trong khi đó, nguyên liệu quặng sắt dùng cho sản xuất lại có giá cao do chủ yếu được tích lũy từ 3-4 tháng trước. Vì vậy, biên LN gộp của các DN đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
(2) ) Áp lực cạnh tranh từ thép thành phẩm nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc cũng khiến giá thép thành phẩm giảm nhanh. Sự giảm tốc của nền kinh tế TQ đã tạo ra tình trạng dư cung thép thành phẩm. Lượng thép dư thừa được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đã tạo ra áp lực lớn giảm giá thép.
Theo ông Đăng, việc giá thép giảm sâu khiến cho biên lợi nhuận của hầu hết các công ty sản xuất thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ bởi ngành thép là ngành mà giá cả của sản phẩm đầu ra rất nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, nhìn vào từng phân khúc của ngành công nghiệp thép theo như phân tích của ông Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, điều này đúng với những doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dừng lại ở khâu cán thép (cán thép dài ra thép hình, thép cuộn, thép thanh; cán thép dẹt ra cuộn cán nóng, cuộn cán nguội), khi tốc độ giảm giá của HRC còn nhanh hơn tốc độ giảm giá quặng sắt trong giai đoạn 2015-2016. Còn ngược lại, đối với phân ngành gia công sau cán, giá nguyên liệu đầu vào là thép cán giảm lại phần nào có lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào khâu cuối của chuỗi giá trị này, giống như Voestalpine đề cập ở trên.
Biến động thị trường thép trong nước
Nhìn chung, thị trường trong nước cũng có cùng đà biến động với xu hướng của thị trường thép Thế giới. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp trong ngành giảm mạnh, dao động từ -10% đến 6%. Chỉ riêng HPG và HSG vẫn giữ ở mức cao 17% đến 18%. Giai đoạn này tốc độ giảm giá diễn ra mạnh nhất khiến lượng hàng tồn kho sản xuất với giá nguyên liệu ở mức cao không tiêu thụ kịp so với tốc độ giảm giá của thành phẩm. Tuy nhiên, tới quý 1/2016, mặc dù giá thép vẫn giảm trong tháng 1 và chỉ hồi phục nhẹ từ tháng 3, nhưng các doanh nghiệp đã điều chỉnh chính sách tồn kho phù hợp hơn với diễn biến thị trường, do đó biên lợi nhuận dần được cải thiện.
Trong quý 2/2016, khi giá thép phục hồi rõ nét, cùng với thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, tạo thành 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nhanh nhạy với biến động thị trường, chủ động tích trữ nguyên liệu giá thấp trong quý 1/2016 còn đạt tăng trưởng lợi nhuận rất tốt trong quý 2/2016, đảo ngược hoàn toàn so với quý 4/2015. Cụ thể, HPG đạt BLNG 32%, HSG 24%, TLH 23%, KKC 18%, NKG 16%, SMC 10%,… Sau giai đoạn phục hồi mạnh trong quý 2/2016, giá quặng sắt tiếp tục biến động trong quý 3 và chưa thể hiện rõ xu thế phục hồi hoàn toàn. Do vậy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép nhìn chung có xu hướng giảm.
Triển vọng ngành thép Việt Nam
Dựa trên những phân tích về biến động của cả thị trường thép thế giới và thị trường thép Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Đăng đưa ra một số nhận định về triển vọng ngành thép Việt Nam nói chung cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt tồn tại và phát triển trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, ông Đăng cho rằng, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp, 3 trong số đó là:
(1) Tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Có thể nói HPG là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi này và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua. Việc tổ chức quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, với chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn.
(2) Khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành. Như đã đề cập trong phần trên, ông Đăng cho rằng doanh nghiệp nếu nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
(3) Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao. Đồng ý với quan điểm của ông Sưa, ông Đăng cho rằng hiện nay năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Do đó, việc khai thác thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp. Ông Đăng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 37% (tương ứng với hơn 1 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2015. Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép
Tiếp theo, ông Đăng đưa ra những thông tin về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép. Trong đó, mở đầu bằng những thông tin liên quan tới năng lực sản xuất, sản lượng, thị phần của các doanh nghiệp sản xuất thép; và quy mô kinh doanh, thị phần của các doanh nghiệp thương mại thép niêm yết; cùng với đó là thông tin về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này trong năm 2015 là 9 tháng đầu năm 2016 để nhà đầu tư có thể so sánh sự biến động trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong giai đoạn thăng trầm này. Nhìn chung, doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt với LNST chỉ trong 9 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với cả năm 2015. Đặc biệt có những doanh nghiệp đã xóa hết lỗ lũy kế trong năm 2015 như SMC, TLH…
Xét về các chỉ số sinh lời, HPG và HSG vẫn là những doanh nghiệp đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, NKG và SMC lại có tỷ lệ ROE cao nhất. Bên cạnh đó, ông Đăng cũng cung cấp thêm thông tin về quy mô và cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp thép niêm yết, cho thấy, đối với các doanh nghiệp sản xuất thép, tài sản cố định và hàng tồn kho là các hạng mục chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu tài sản, khác với các doanh nghiệp thương mại thép. Ngoài ra, xét về đòn bẩy tài chính, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn lưu động.
Ông Đăng tổng hợp thêm, trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn Vn-index. Một số mã vẫn đang có các chỉ số P/E và P/B ở mức khá hấp dẫn so với thị trường như HSG (P/E: 5.33, P/B: 1.94), NKG (P/E: 3.82, P/B: 1.68), SMC (P/E: 1.96, P/B: 0.89) so với chỉ số ngành P/E 6.38 và P/B 1.85
Trong buổi hội thảo này, cũng có sự góp mặt của đại diện DN trong ngành Thép – CTCP Đầu tư thương mại SMC mã niêm yết SMC (HOSE), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu thép tiềm năng trong ngành. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp NĐT quan tâm đến SMC nói riêng và doanh nghiệp thép nói chung có được cái nhìn sâu hơn về tình hình HĐKD của DN.
Ông Nguyễn Hữu Kinh Luân – Đại diện CTCP Đầu tư thương mại SMC thay mặt Công ty giới thiệu với NĐT về tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh của SMC. Với 28 năm kinh nghiệm trong ngành thép, là doanh nghiệp phân phối, sản xuất, và gia công thép uy tín và chuyên nghiệp, SMC cung cấp danh mục sản phẩm phong phú với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và tối đa hoá lợi ích của khách hàng. Với mạng lưới hoạt động và hệ thống chi nhánh phủ rộng với trụ sở chính, 7 công ty thành viên và 3 công ty liên doanh; cùng với đội ngũ bán hàng và vận tải chuyên nghiệp có khả năng cung cấp 5.000 tấn thép/ngày đến tất cả các khu vực trên toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài. Ông Luân cũng giới thiệu cho NĐT những thông tin chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ SMC cung cấp, bao gồm:
– Sản phẩm: Thép xây dựng: thép cuộn, thép tròn trơn, thép gân; Thép cán nóng; Thép cán nguội; Lưới thép hàn; Ống thép; Xà gồ, thép hình, thép cường độ cao, thép không theo quy chuẩn; Xi măng
– Dịch vụ gia công, sản xuất: Hệ thống Coil Center – chuyên cung cấp dịch vụ gia công xả băng, cắt tấm các loại thép cán nóng, cán nguội, thép lá mạ, thép không gỉ với độ chính xác và chất lượng cao; Nhà máy sản xuất ống thép cung cấp các loại ống tròn, ống vuông, ống hộp chia ra theo hai dòng sản phẩm là ống đen và ống thép mạ kẽm; Nhà máy sản xuất lưới thép hàn
(Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Kinh Luân – Đại diện CTCP Đầu tư thương mại SMC)
Lợi thế cạnh tranh của SMC
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về DN, Ông Luân đưa ra những phân tích về lợi thế cạnh tranh của SMC, trong đó nhấn mạnh 18% thị phần phân phối thép tại khu vực miền Nam với sản phẩm, hàng hóa cung cấp đa dạng, chất lượng cao. Bên cạnh đó, SMC là công ty có hệ thống Coil Center lớn nhất nước và các nhà máy sản xuất được đầu tư với công nghệ hiện đại, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu và yêu cầu khắt khe của khách hàng trong và ngoài nước.
Tiếp theo, ông Luân chia sẻ thêm thông tin về các cổ đông, đối tác chiến lược gồm Tập đoàn Hanwa Nhật Bản, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Toami Nhật Bản, Tập đoàn Huyndai Hàn Quốc, Nippon Steel Nhật Bản và China Steel; và các công ty liên doanh hiện tại của SMC gồm:
– SMC SUMMIT: liên doanh với tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, chuyên phân phối các sản phẩm thép đặc biệt, thép chất lượng cao.
– SMC TOAMI: liên doanh với tập đoàn Toami và tập đoàn Hanwa Nhật Bản, chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm lưới thép hàn.
– SMC SENDO: liên doanh với tập đoàn Hanwa Nhật Bản, chuyên sản xuất và gia công sản phẩm ống thép các loại.
Bước chuyển mình chiến lược của SMC
Trước khi chia sẻ về bước chuyển mình chiến lược của SMC, ông Luân chỉ ra sự tăng trưởng mạnh không ngừng qua các năm từ 540.016 tấn năm 2010 tăng lên tới 1.004.846 tấn năm 2015. Từ một doanh nghiệp thuần tuý phân phối thép với thép xây dựng là sản phẩm chủ lực chiếm đến 80-90% tổng sản lượng tiêu thụ và doanh thu, SMC từng bước đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống Coil Center với dịch vụ gia công chế biến, sản xuất và phân phối thép dẹt các loại, nâng dần tỷ trọng tiêu thụ thép dẹt, góp phần đa dạng hoá danh mục sản phẩm, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, và tạo ra nhiều cơ hội cho SMC hợp tác kinh doanh và liên doanh liên kết với các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Ông Luân chia sẻ thêm, việc đẩy mạnh cơ cấu tiêu thụ thép dẹt đồng thời cũng tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của Công ty phát triển ổn định và tích cực hơn. Năm 2015, SMC bắt đầu ghi nhận sự đóng góp của mặt hàng ống thép với 1,5% vào tổng sản lượng tiêu thụ. Ông Luân tin tưởng rằng mặt hàng này hứa hẹn sẽ có đóng góp đáng kể hơn trong các năm sau. Tổng kết tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016, SMC công bố những con số kết quả kinh doanh ấn tượng, với:
– Tổng sản lượng thép tiêu thụ: 763.000 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 76% kế hoạch cả năm
– Doanh thu thuần: 6.552,2 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65% kế hoạch cả năm
– Lợi nhuận sau thuế: 288,5 tỷ đồng, so với kết quả lỗ 200 tỷ của cùng kỳ năm trước, và đạt 481% kế hoạch cả năm
Triển vọng phát triển của SMC
Hiểu được mối quan tâm của NĐT về triển vọng phát triển của công ty trong thời gian tới, ông Luân nhấn mạnh mục tiêu đạt sản lượng tiêu thụ thép toàn hệ thống trên 1,2 triệu tấn vào năm 2020; đồng thời, duy trì năng lực xuất khẩu thép với tỷ lệ tối thiểu đạt 10% tổng sản lượng tiêu thụ. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, ông Luân cho biết SMC sẽ đầu tư mới 1-2 nhà máy gia công chế biến thép với trang thiết bị máy móc đồng bộ và hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước; Đẩy mạnh hoạt động gia công chế biến, phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng và thị trường, nâng dần tỷ trọng thép dẹt và gia tăng sản lượng mặt hàng ống thép. Bên cạnh đó, theo quan điểm của ông, để doanh nghiệp phát triển tốt và bền vững, việc chú trọng tới quyền lợi của CBNV là điều không thể thiếu trong văn hóa của Công ty. Do vậy, ông chia sẻ, SMC sẽ hướng tới nâng dần thu nhập bình quân cho CBCNV với mục tiêu tối thiểu 5%/năm.
Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi
Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và đại diện các bên gồm: Tiến sỹ Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, Ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư thương mại SMC; Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam; và Ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Công thương.
Nhà đầu tư 1: Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên công bố ngày 23/4/2016, ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ trong năm 2016 cho Công ty Hanwa – Nhật Bản với tỷ lệ 15% và giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm dự kiến 30/6/2016. Tuy nhiên, ngày 7/10/2016, Nghị quyết HĐQT đã thống nhất thông qua giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2016 là 18.000 đồng/ cổ phần, thấp hơn giá trị sổ sách của SMC tại ngày 30/6/2016 là 21.813 đồng/ cổ phần. Vậy xin ông Ngọc Anh giải thích về quyết định này của HĐQT SMC?
Ông Ngọc Anh: HĐQT SMC đã thống nhất giá phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác chiến lược Hanwa Nhật Bản là 18.000 đồng/ cổ phần. Và hiện nay HĐQT đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về mức giá này. Cơ sở để HĐQT công ty đi đến thống nhất mức giá phát hành 18.000 đồng/ cổ phần dựa trên 2 lý do. Thứ nhất, Hanwa là đối tác chiến lược của SMC, đã hợp tác kinh doanh lâu năm, tạo được uy tín và hiệu quả kinh doanh giữa hai bên. Do đó, Hanwa muốn có được ưu đãi giảm giá so với mức giá dự kiến 22.000 đồng/cổ phần – mức giá SSI đã tư vấn. Thứ hai, giá giao dịch cổ phiếu SMC trên sàn tại thời điểm đàm phán giá phát hành riêng lẻ dao động trong khoảng 17.000-18.000 đồng/ cổ phiếu. Do vậy, HĐQT đã họp, cân nhắc và thống nhất phát hành riêng lẻ cho Hanwa ở mức giá 18.000 đồng/ cổ phần, là mức giá phù hợp và thu hút nhà đầu tư.
Nhà đầu tư 2: Năm 2015, SMC thua lỗ lớn. Tuy nhiên, câu chuyện năm 2016 của SMC đảo ngược hoàn toàn khi công ty đã xóa hết lỗ lũy kế sau nửa niên độ tài chính. Vậy nếu ngành thép thế giới còn tiếp tục biến động trong tương lai, xin ông cho biết SMC sẽ làm gì để tránh xảy ra thua lỗ như năm 2015?
Ông Ngọc Anh: Thứ nhất, lý do thua lỗ của SMC trong năm 2015 đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đầu năm 2015, giá thép toàn ngành liên tục giảm mạnh, đây là yếu tố khách quan đến từ biến động thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, sai lầm chủ quan là SMC đã tính toán sai khi tiếp tục nhập nguyên liệu giá thấp hơn với kỳ vọng bù lỗ khi giá thép tăng trở lại. Ban lãnh đạo công ty đã phân tích kỹ tình hình và rút ra kinh nghiệm cho sai lầm của năm 2015, đề ra định hướng quản trị của công ty trong năm 2016 để hạn chế thua lỗ.
Đến năm 2016, SMC kiên trì thực hiện theo những mục tiêu đã đề ra, gồm: giảm lượng hàng tồn kho, giảm chi phí, giảm vay vốn ngân hàng; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động của công ty. Với tình hình thị trường hiện nay, theo tôi, giá thép đang có xu hướng tăng, nhưng không bền vững. Do vậy, SMC vẫn lựa chọn giới hạn định mức hàng tồn kho cho toàn hệ thống chỉ vào khoảng 120 nghìn tấn đối với toàn bộ các sản phẩm của công ty, bao gồm cả thép xây dựng và thép dẹt.
Nhà đầu tư 3: Thuế tự vệ có tác dụng giúp các doanh nghiệp ngành thép phục hồi. Vậy trong thời gian tới, theo Tiến sỹ Sưa, có nên tiếp tục kéo dài thời gian áp thuế tự vệ để bảo vệ ngành thép trong nước hay không?
Tiến sỹ Sưa: Việc điều tra và ra quyết định áp thuế diễn ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm nghiên cứu sơ bộ, và từ đó di đến áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời. Giai đoạn 2, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà làm chính sách sẽ ra quyết dịnh cuối cùng về việc áp thuế tự vệ, tùy theo kết quả nghiên cứu đạt được, quyết định cuối cùng có thể có giữ nguyên, hoặc có mức thuế cao hoặc thấp hơn mức thuế tự vệ ban đầu.
Trong quá trình tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế thế giới, về nguyên tắc, các hàng rào thuế quan đều dần phải gỡ bỏ. Tuy nhiên, WTO cho phép các nhà sản xuất trong nước sử dụng các rào cản kỹ thuật và các biên pháp phòng vệ thương mại khác như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các quốc gia khác đã và đang thực hiện rất tốt những biện pháp này, ngay cả những nền kinh tế thép lớn như Mỹ và các nước EU. Do đó, việc xem xét, đánh giá lại việc kéo dài thời gian áp thuế tự vệ là cần thiết khi thời hạn bảo hộ hết hiệu lực vào năm 2020.
Nhà đầu tư 4: Sau sự cố môi trường Formosa, Hiệp hội thép có ủng hộ các dự án đầu tư của HPG và HSG hay không?
Tiến sỹ Sưa: Ngành thép Việt Nam hiện nay đang phát triển chưa đồng bộ. Năm 2015, Việt Nam đã sản xuất được 15 triệu tấn thành phẩm, cùng với đó 4 ngành hàng là CRC, ống thép, tôn mạ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, đã có sản lượng xuất khẩu khá tốt. Tuy nhiên, trong số 15 triệu tấn thành phẩm sản xuất ra, chúng ta phải nhập khẩu tới 9 triệu tấn HRC để phục vụ cho sản xuất. Như vậy, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục đầu tư đồng bộ, đặc biệt là đầu tư vào những nguyên liệu và bán thành phẩm Việt Nam chưa sản xuất được để phục vụ cho các khâu sản xuất tiếp theo trong chuỗi giá trị ngành. Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia các FTAs, xuất xứ hàng hóa rất quan trọng trong việc xác định các mặt hàng có được hưởng ưu đãi thuế suất hay không, do vậy, nên hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc.
Nhà đầu tư 5: SMC đặt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2016 chỉ 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng trong quý 3/2016, công ty đã lãi 58 tỷ. Vậy xin ông cho biết lợi nhuận quý 4 của công ty dự báo khoảng bao nhiêu?
Ông Ngọc Anh: LNST cả hệ thống dự kiến đạt 320-330 tỷ năm 2016.
Nhà đầu tư 6: Xin ông cho biết dự báo biến động giá thép trong năm 2017?
Tiến sỹ Sưa: Biến động giá thép năm 2017 sẽ tương tự như giá năm 2016, do: Nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì mức lợi nhuận hiện tại. Bên cạnh đó, những trung tâm kinh tế của thế giới như EU, Trung Quốc chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Ngọc Anh: Giá thép trong tương lai phụ thuộc nhiều vào GDP thế giới, phụ thuộc nhiều vào giá dầu do ngành thép là ngành tiêu hao năng lượng lớn, phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc như cắt giảm sản lượng ngành than, siết chặt sản xuất của những DN gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giá thép khó giảm sâu nhưng không có cơ sở tăng mạnh.
Nhà đầu tư 7: Xin tiến sỹ có thể cho biết, năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu bao nhiêu thép xây dựng được không ạ?
Tiến sỹ Sưa: Tôi không có số liệu chính thức về số lượng nhập khẩu thép xây dựng. Tuy nhiên, do thép xây dựng hiện đang có thuế tự vệ nên một số loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã thêm vào một số chất như B, Cr để khai mã hàng hóa thành thép hợp kim nhằm được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Các loại thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội thép ví dụ như, thép dây cuộn vào khoảng 1,3 triệu tấn, thép cây khoảng 4 đến 5 trăm nghìn tấn, nên tổng thép xây dựng theo thống kê sơ bộ năm 2015 là vào khoảng 1,7 đến 1,8 triệu tấn.
Nhà đầu tư 8: Formosa đã chuẩn bị hoàn thành và đi vào sản xuất, xin tiến sĩ cho viết sản lượng là khoảng bao nhiêu. Việc này có ảnh hưởng đến các công ty thép khác trong nước hay không? Sản lượng của Formosa sẽ được tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu?
Tiến sỹ Sưa: Formosa đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư công suất khoảng 7,5 triệu tấn, trong đó 1,5 triệu tấn là thép dài phục vụ sản xuất thép chất lượng cao như bu lông ốc vít, còn lại là 6 triệu tấn HRC. Chủ yếu các sản phẩm này phục vụ cho xuất khẩu. Vì vậy, trong giai đoạn đầu này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các nhà sản xuất trong nước khác.
Ông Ngọc Anh: Nói đến Formosa, từ năm 2010 SMC đã có liên hệ hợp tác rất mật thiết với Formosa. Formosa đã dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 6/2016. Tuy nhiên do sự cố về môi trường vào tháng 5/2016, hiện Formosa mới chỉ đưa ra sản phẩm thử nghiệm vào thị trường. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc mua sản phẩm từ Formosa có lợi cho công ty thép nội địa, khi so sánh với việc nhập khẩu phải mất thời gian 2 tháng hàng về có thể làm mất cơ hội kinh doanh trên thị trường.
Formosa đang tiến hành đưa hàng wire rod ra thăm dò thị trường. Đến năm 2017, doanh nghiệp bắt đầu chạy lò cao ra HRC. Hiện tại, Việt Nam nhập HRC từ Trung Quốc đến 80% nhu cầu trong nước. Vì vậy, nếu có Formosa sẽ giảm được nhập khẩu từ Trung Quốc. SMC đã thử nghiệm xả băng, cán ống của thép Formosa và khẳng định chất lượng thép tốt.
Nhà đầu tư 9: Xin ông Ngọc Anh cho biết, doanh thu và biên lợi nhuận gộp 2017 của SMC dự kiến là bao nhiêu? Nhà máy sản xuất ống thép có giúp cải thiện biên lợi nhuận nhiều không và có thể đạt bằng các doanh nghiệp thép lớn trên thị trường như HPG hay không?
Ông Ngọc Anh: Việc so sánh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác nhau là rất khó. Ngay bản thân trong ngành thép xây dựng, tỷ suất lợi nhuận biên giữa HPG và POM cũng có khoảng cách. Với SMC – gia công chế biến nhiều và kinh doanh nhập khẩu phân phối biên lợi nhuận thấp. Nếu có sự cải thiện trong biên lợi nhuận thì do đột biến giá là chủ yếu.
Nhà đầu tư 10: Thưa ông Sưa, tại Việt Nam, thị trường HRC đang bị bỏ ngỏ. Liệu các doanh nghiệp như HPG, HSG có phát triển mảng này và có tiềm năng cạnh tranh HRC với thép Trung Quốc được hay không?
Tiến sỹ Sưa: Tại Việt Nam, hiện đang có doanh nghiệp Formosa với nguồn cung cấp HRC 6 triệu tấn/ năm. Con số này là vẫn thiếu so với nhu cầu của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sẽ cần thêm những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do quy mô doanh nghiệp việt còn nhỏ, hạn chế về đầu tư công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp trong khi khả năng cạnh tranh là vũ khí quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp thép trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu này. Vì vậy, Việt Nam cần gây dựng đội ngũ doanh nghiệp quy mô tương đối lớn để có đủ năng lực tài chính, công nghệ để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Nhà đầu tư 11: Xin được hỏi ông Ngọc Anh, câu chuyện thua lỗ của năm 2015 có tạo ra cú sốc lớn với doanh nghiệp?
Ông Ngọc Anh: Thua lỗ đương nhiên là cú sốc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong kinh doanh, chuyện thua lỗ là điều tất yếu xảy ra. Tôi cho rằng, giai đoạn vừa qua là giai đoạn khó khăn của ngành thép, không chỉ SMC mà rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng chứng kiến sự thua lỗ này. Ngành thép là ngành có giá trị lớn, việc giá thép thay đổi 5/10% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh.
Đối mặt với giai đoạn khó khăn, điều quan trọng của doanh nghiệp là có một bộ máy công ty chia sẻ, đoàn kết vượt qua khó khăn. SMC luôn đặt ra mục tiêu: không tạo sự đặc biệt, chỉ có lợi thế khác biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề. Đây là nền tảng cho những bước đi vững, chắc, kỹ.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, không phải dễ dàng mà một doanh nghiệp ngành thép có mối quan hệ mật thiết với các đối tác Nhật như SMC. Các đối tác lớn ở Châu Á, có chất lượng và uy tín như Nippon, Huyndai, China Steel đều có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với SMC. Các Doanh nghiệp này thường không tùy tiện trong việc chọn đối tác phân phối do không muốn phá vỡ hệ thống kinh doanh phân phối, bạn hàng truyền thống, thị trường thân thiết. Vì vậy, việc SMC có mối quan hệ lâu năm với các doanh nghiệp nước ngoài nói trên là một lợi thế cạnh tranh mạnh so với các doanh nghiệp thép khác.
[TRỰC TIẾP] Hội thảo Ngành Thép Việt Nam – Thăng trầm và triển vọng. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC