Ngày 10/10/2015, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities) đã tổ chức thành công Hội thảo “Thị trường chứng khoán quý 4/2015 – Lựa chọn cổ phiếu tiềm năng” tại TP Vũng Tàu. Hội thảo đã tập trung vào phân tích ngành và đưa ra khuyến nghị về những cổ phiếu tiềm năng cho giai đoạn đầu tư từ nay đến cuối năm 2015.

Hội thảo đã chỉ ra những yếu tố tác động chính đến thị trường chứng khoán cuối năm 2015 bao gồm: Kết quả kinh doanh Quý 4/2015, tỷ giá USD/VND khi FED vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất trong các cuộc họp cuối năm, Hiệp định thương mại TPP và sự phục hồi của kinh tế vĩ mô.


Hội thảo thu hút gần 100 nhà đầu tư tham dự

Theo chuyên gia phân tích Đăng Trần Hải Đăng – Phó phòng Phân tích VietinBank Securities, ngành tâm điểm cho giai đoạn cuối năm 2015 gồm: Vật liệu xây dựng; Dệt may và Công nghệ thông tin.

Vật liệu xây dựng

Quý 4 là thời điểm các công trình xây dựng được thúc đẩy tiến độ và hạch toán, vì vậy điểm rơi lợi nhuận của vật liệu xây dựng thường là quý 4. Thị trường bất động sản hồi phục sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu: Thép, xi măng, gạch, nhựa…

Ngành VLXD là ngành tâm điểm TTCK cuối năm 2015

Hai cổ phiếu tiềm năng trong ngành gồm CVT và HPG.

Công ty Cổ phần CMC (CVT) có hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định: 6 tháng 2015, CVT đạt xấp xỉ 324 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. VietinBank Securities dự báo LNST Quý 3/2015 của CVT đạt khoảng 20 tỷ đồng => LNST 9 tháng đạt 47,25 tỷ đồng, bằng 93% LNST cả năm 2014, tương đương 82% kế hoạch cả năm 2015. Tốc độ tăng trưởng LNST khoảng 20-30%/Quý.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp đầu ngành thép hiện đang thu hút được dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài.  VietinBank Securities dự báo LNST Quý 3/2015 của HPG đạt khoảng 900 – 1.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đó, HPG đạt khoảng 2.800 đồng LNST, hoàn thành 90% kế hoạch năm 3.200 tỷ LNST.

HPG có được lợi thế chi phí dưới áp lực canh tranh lớn: ngành thép với tình trạng dư cung đang có áp lực cạnh tranh rất lớn. Nhưng HPG vẫn tăng trưởng ổn định nhờ chu trình sản xuất thép khép kín, tiết kiệm chi phí. Quý 4/2014, HPG tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 3 của Khu liên hợp, nâng tổng công suất lên 1,6 triệu tấn thép vào tháng 3/2016. Bên cạnh đó thị trường bất động sản hồi phục giúp HPG tiêu thụ tốt hơn.

Dệt may

Ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ các hiệp định FTA: Việc đàm phán thành công các Hiệp định FTA với EU, Nga và Hàn Quốc sẽ làm giảm thuế xuất khẩu còn 0%; Hiệp định TPP cũng sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó giá bông thế giới dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2015, giúp giảm chi phí đầu vào.

Cố phiếu tiềm năng trong ngành dệt may là TCM.

Công ty Dệt may – Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) là doanh nghiệp niêm yết duy nhất đáp ứng quy định về xuất xứ từ sợi trở đi theo Hiệp định TPP; TCM có hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định: Nguyên liệu bông đầu vào được duy trì ổn định khi TCM thực hiện mua bông trên thị trường quốc tế theo cả 2 hợp đồng: SPOT (giao ngay) và FUTURE (tương lai). Với 2 hình thức này, TCM có thể giảm thiểu được rủi ro biến động giá bông thế giới. Nguyên liệu ổn định giúp giá vốn/doanh thu của TCM năm 2014  giảm so với năm 2013. Năm 2014, TCM đạt doanh thu 2.571 tỷ đồng (+0,7% so với 2013). Lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỷ đồng (+ 36,6% so với năm 2013). DT Q2/2015 đạt 33,7 triệu USD (+10% so với cùng kỳ năm 2014).

Ngành Công nghệ thông tin

Ngành CNTT cũng có những dấu hiệu hỗ trợ đáng lưu ý: nhu cầu sử dụng các sản phẩm CNTT lớn nhằm tăng hiệu quả công việc, bên cạnh đó thị trường viễn thông rộng lớn với sản phẩm đa dạng. Về mặt chính sách, quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê ngoài dịch vụ CNTT có hiệu lực từ ngày 15/02/2015 có ý nghĩa lớn với sự phát triển của ngành.

Cổ phiếu tiêu biểu cho ngành này là FPT.

FPT có KQKD 8 tháng khả quan: với doanh thu hợp nhất đạt 25.977 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 107% kế hoạch luỹ kế. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.766 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch luỹ kế.

Bên cạnh đó thông tin FPT vượt qua 5 nhà thầu quốc tế đến từ các quốc gia lớn như Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc và Luxembourg, FPT đã thắng thầu hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay và cũng là hợp đồng lớn nhất về CNTT của chính phủ Bangladesh có giá trị 33,6 triệu USD, tương đương 1/10 kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm (310 triệu USD) cũng là một thông tin rất tích cực. 

Nguồn: VietinBank Securities


Hội thảo: Lựa chọn cổ phiếu tiềm năng quý 4/2015
Call Now Button