Sau hơn hai năm chìm trong sự ảm đạm, chức năng là kênh huy động vốn của thị trường chứng khoán ngày càng mờ nhạt khi ngày càng ít doanh nghiệp huy động vốn qua sàn cũng như nhà đầu tư không còn quan tâm đến đấu giá cổ phần. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt, trong số các chỉ số chứng khoán của châu Á, chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội có mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm với mức giảm là 34,9%, và đứng kế tiếp là VN-Index với mức giảm 10,75%.
Có 145,9 triệu cổ phần được đem ra đấu giá trong 6 tháng nhưng chỉ có hơn 1/5 tức 32 triệu cổ phần được mua, và có tổng cộng 396 tỉ đồng các công ty huy động được qua việc đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, tình huống bi đát này đã diễn ra từ năm 2010, khi cũng theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2010 chỉ có 11 phiên đấu giá cổ phần được thực hiện trên sàn này và chỉ có 3 phiên là bán hết cổ phần. Theo đó, trong 129 triệu cổ phần được đem ra đấu giá thì chỉ có 22 triệu cổ phần bán được và số vốn huy động được là 310 tỉ đồng.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội ghi nhận chỉ có 5 phiên đấu giá cổ phần trong 6 tháng với tổng số cổ phần đưa ra đấu giá được là 71,1 triệu nhưng chỉ có 43,6 triệu cổ phần được mua. Tổng số vốn huy động được qua 5 cuộc đấu giá là 451 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ riêng Tổng công ty thép Việt Nam đã chiếm phần lớn số cổ phần đấu giá trên sàn phía Bắc khi công ty này chào bán 66 triệu cổ phần và chỉ bán được 39,15 triệu.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, dự thảo thông tư về tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thay thế cho Thông tư 13 và Thông tư 19 quy định các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay chứng khoán tối đa 3% vốn tự có và với nguồn vốn tự có hiện khoảng 233.612 tỉ đồng, tín dụng vào chứng khoán chỉ còn khoảng 7.000 tỉ đồng. Như vậy so với qui định trước, (tổ chức tín dụng được cho vay chứng khoán tối đa 20% vốn điều lệ, tương đương 42.000 tỉ đồng), lượng vốn vào thị trường chứng khoán sẽ giảm đến 6 lần, và thấp hơn khoảng 3 lần so với dư nợ thực tế hiện tại.
Do đó, theo Rồng Việt, áp lực về nguồn tiền trong tương lai sẽ khó khăn hơn, và nguy cơ bán tháo cổ phiếu có thể xảy ra khi áp lực thu nợ được tiến hành nếu qui định này có hiệu lực. Và như vậy, chuỗi ngày ảm đạm của chứng khoán sẽ còn tiếp diễn.