Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong quý 3 cho thấy chỉ có 6 đợt IPO mới và 2 đợt bán nốt số cổ phần ế từ đợt đấu giá tháng 6. Trong 6 đợt đấu giá mới, chỉ có 3 doanh nghiệp bán hết được ngay trong lần đầu tiên là Công ty Tài chính Cổ phần HANDICO, Công ty Cổ phần TASCO và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Số doanh nghiệp còn lại đều có tỉ lệ cổ phần ế rất cao. Chẳng hạn Công ty Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên chào bán gần 1,34 triệu cổ phần thì chỉ có 118.700 cổ phần được đăng ký mua và bán được, chiếm 8,9% khối lượng. Công ty Cấp thoát nước và Môi trường số 2 Vĩnh Phúc chỉ bán được hơn 6% lượng chào.
Mới nhất là cuộc đấu giá hơn 7,32 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc ngày 2/11/2010. Chỉ có đúng 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 45.000 cổ phần, chiếm tỉ lệ 0,6% khối lượng. Giá khởi điểm của đợt đấu này là 14.000 đồng/cổ phần nhưng không hiểu sao với lượng đặt mua thấp như vậy, vẫn có giá chào lên 14.500 đồng/cổ phần. Đợt đấu giá hơn 3,2 triệu cổ phần của Công ty Cảng Mỹ Thới An Giang trong Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng ế khoảng 18% khối lượng.
Tuy nhiên, không hẳn các cuộc đấu giá thất bại đều do nguyên nhân thị trường.
Công ty Tài chính Cổ phần HANDICO đấu giá hôm 9/8/2010 được chào mua gấp 3,3 lần lượng chào bán. Thặng dư thu về từ đợt IPO này cũng trên 90 tỷ đồng. Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng được mua gấp 2,4 lần lượng chào bán, thặng dư cũng hơn 14 tỷ đồng.
Theo lịch đấu giá của HNX, trong tháng 11 này sẽ có thêm 5 doanh nghiệp nữa. Trong số này có một cái tên đáng chú ý là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC. Khối lượng IPO của BSC đợt tới khá lớn với gần 10,2 triệu cổ phần. Nằm trong nhóm những Công ty chứng khoán “gạo cội”, hoạt động ngay từ ngày đầu tiên có thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng BSC cũng chỉ có giá khởi điểm rất “mềm”: 10.300 đồng/cổ phần.
Đợt IPO BSC thu hút chú ý vì diễn ra đúng vào lúc thị trường chứng khoán trong giai đoạn èo uột. Nhóm cổ phiếu của Công ty chứng khoán niêm yết giảm rất thấp như KLS (12.000 đồng/cổ phiếu), BVS (14.900 đồng/cổ phiếu), SHS (13.300 đồng/cổ phiếu), HPC (8.500 đồng/cổ phiếu)… Trong số vài chục mã cổ phiếu chứng khoán đang niêm yết, không ít công ty lỗ khá nặng. Tuy nhiên nhìn chung giá của những công ty lớn vẫn trên mệnh giá, thậm chí khá hơn như SSI, HCM…
Ghi nhận đến 30/6/2010, BSC có nhiều điểm tương tự đa số số cổ phiếu chứng khoán trên sàn. Lợi nhuận 6 tháng đạt 7,1 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất thuộc về đầu tư kinh doanh chứng khoán, góp vốn; môi giới và lưu ký. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của BSC cũng không nổi bật, lợi nhuận phụ thuộc vào điều kiện thị trường khá lớn nhờ hoàn nhập dự phòng.
Ông Đỗ Huy Hoài, Giám đốc BSC cho biết năm nay có thể đạt nhuận sau thuế 30 tỷ trên tổng doanh thu khoảng 440 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến lợi nhuận sau thuế 97 tỷ đồng trong năm 2011, đẩy mạnh mảng môi giới và kinh doanh trái phiếu. BSC cũng đặt mục tiêu vươn lên nằm trong top 10 Công ty môi giới chứng khoán có thị phần lớn nhất trên thị trường trong ba năm tới. Hiện BSC đang quản lý 43.258 tài khoản, trong đó 128 tài khoản là khách hàng tổ chức. BSC dự kiến sẽ niêm yết 6 tháng sau khi chuyển thành Công ty cổ phần.
Lựa chọn cổ phiếu trong bối cảnh thị trường trầm lắng là không khó. Tuy nhiên mảng IPO có những nét hấp dẫn riêng và nhu cầu góp vốn trước vào doanh nghiệp trước khi niêm yết là có thật. Hiện tại mảng đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp chưa lên sàn cũng được cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chú ý vì khai thác cơ hội tại những “vỉa” tài nguyên chưa được khai phá thậm chí còn dễ dàng hơn những lựa chọn “xương xẩu” trên sàn.
Bức tranh IPO quý 3 không chỉ hoàn toàn mà một màu tối, dù thị trường ảm đạm.