Một số cuộc đấu giá cổ phần vừa thực hiện thành công sau nhiều tháng hoạt động đấu giá im lìm. 

Nhà đầu tư háo hức

Gần 3,8 triệu cổ phần (CP) của Công ty kinh doanh mỹ nghệ vàng bạc đá quý Agribank đã được bán hết trong phiên đấu giá lần đầu tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua.

Số lượng nhà đầu tư đăng ký tham gia cuộc đấu giá của Công ty kinh doanh mỹ nghệ vàng bạc đá quý Agribank khá lớn, lên đến 116 nhà đầu tư với tổng khối lượng đăng ký mua gần gấp 3 lần số lượng CP đưa ra đấu giá. 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc lại, các cuộc đấu giá thành công đã khiến một số doanh nghiệp hồ hởi tổ chức đấu giá CP để huy động vốn. Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nếu như cả tháng 7 không có một đợt đấu giá CP nào thì trong tháng 9 và tháng 10.2008, Sở sẽ tổ chức nhiều cuộc bán đấu giá, như: 1.550.000 CP của Tổng công ty xây dựng thủy lợi 4; hơn 1 triệu CP của Công ty cổ phần Pymepharco; bán tiếp lần 2 hơn 5,5 triệu CP của Công ty đầu tư xây dựng 3/2; bán 3,1 triệu CP của Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi và Xí nghiệp chế biến thực phẩm Duyên Hải trực thuộc Công ty nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ; đấu giá CP Công ty phát triển nhà Minh Hải…

Doanh nghiệp cần cân nhắc

Suốt 7 tháng đầu năm nay, việc đấu giá CP lần đầu tại hai sàn chứng khoán không thu hút được nhà đầu tư, đã ảnh hưởng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Giờ đây, nỗi lo này bắt đầu được giải tỏa khi thị trường chứng khoán đang phục hồi. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp lớn như MobiFone, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank)… có thể được phép chào bán CP cho nhà đầu tư chiến lược trước khi bán đấu giá CP ra công chúng sẽ khiến cho quá trình bán CP được đẩy nhanh hơn.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, đây là hướng đi tích cực vì sẽ đảm bảo được khả năng thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp ­nhà nước.

Tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán cũng khiến cho một số công ty khởi động lại kế hoạch phát hành CP ra công chúng để huy động vốn. Chẳng hạn Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam (PNC) đang xin ý kiến cổ đông phát hành thêm 3,5 triệu CP để tăng vốn điều lệ thay vì chỉ phát hành 2 triệu CP như đã được thông qua tại đại hội cổ đông vào đầu năm nay. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng bản thân các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc, vì hiện nay để đưa ra được các dự án sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành CP đạt hiệu quả cao là rất hiếm. Đây là một yếu tố sẽ khó để thuyết phục được cơ quản quản lý phát hành thông qua cũng như được nhà đầu tư chấp nhận. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tươi – Giám đốc điều hành khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam cho rằng, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán luôn là phương án cần thiết cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu tất cả các doanh nghiệp đồng loạt tiến hành như trong năm 2007 thì khả năng chịu đựng của thị trường sẽ yếu đi, nguồn vốn từ nhà đầu tư sẽ cạn kiệt và sẽ ảnh hưởng đến kết quả phát hành cũng như tác động đến lượng giao dịch cổ phiếu trên sàn niêm yết.

“Những nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi diễn biến trên sàn giao dịch và các nhà đầu tư tổ chức sẽ là đối tượng tham gia nhiều nhất vào các đợt đấu giá CP. Điều quan trọng nhất vẫn là mức giá khởi điểm đưa ra, nguồn vốn sẽ được sử dụng như  thế nào để cho nhà đầu tư chấp nhận được” – ông Tươi nói.   

 


Đấu giá cổ phần sôi động trở lại
Call Now Button