Một số doanh nghiệp lớn có khả năng tung hàng ra thị trường trong những tháng cuối năm có MobiFone, MHB, các công ty thành viên của BIDV, Agribank và Vietinbank.

Mặc dù chưa thể hết những quan ngại về tình hình kinh tế vĩ mô, song diễn biến TTCK – yếu tố quyết định thành công các đợt đấu giá cổ phần – đang có sức bật mạnh mẽ.  Doanh nghiệp tốt, cổ phiếu có thương hiệu nếu đưa ra thị trường không đúng thời điểm cũng dễ trở thành hàng ế, thực tế này không chỉ doanh nghiệp mà cả các nhà làm chính sách buộc phải nhìn nhận và khi thị trường tốt lên, những kế hoạch chào bán cổ phần bắt đầu vào guồng.

Sau hai đợt chào bán cổ phần không mấy thành công hồi đầu năm của Sabeco và Habeco, tháng 9 tới, cổ phần của một tổng công ty nhà nước khác được hứa hẹn tung ra thị trường dù ngành nghề và tên gọi không mấy hấp dẫn: Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4. Với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, số lượng cổ phần doanh nghiệp này bán đấu giá là 1,55 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.500 đồng/CP. Đây là một trong số hơn chục tổng công ty nhà nước được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm nay, song chưa thể tiến hành bán cổ phiếu ra ngoài và chuyển đổi mô hình hoạt động. Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, việc chậm trễ trên xuất phát từ lý do chính là trong gần một năm qua, TTCK liên tục sụt giảm, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao khiến các nhà đầu tư dè dặt bỏ vốn, nay thị trường khởi sắc nên cần đẩy nhanh tiến trình này.

Điểm qua một số doanh nghiệp lớn khác có khả năng tung hàng ra thị trường trong những tháng cuối năm có MobiFone, MHB, các công ty thành viên của BIDV, Agribank và Vietinbank. Theo lộ trình, việc tư vấn cổ phần hóa VMS-MobiFone sẽ phải kết thúc trong vòng 3 tháng. Phương án cổ phần hóa sau đó sẽ được hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu kịp thì khoảng cuối năm nay, MobiFone có thể thực hiện bán đấu giá cổ phần. Phương án cổ phần hoá của MHB đã được trình Thủ tướng và ngay trong quý này nếu được phê duyệt, cổ phiếu MHB có thể được tung ra thị trường. Một ngân hàng lớn khác là Vietinbank cũng đã trình Thủ tướng đề án cổ phần hoá.

Theo một cán bộ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nỗi lo IPO có thể không thành công đang được giải toả bởi 3 lý do. Thứ nhất, TTCK đang hồi phục, kéo theo một lượng tiền mới vào thị trường và tâm lý hưng phấn của NĐT sẽ có tác dụng tốt đối với sức cầu cổ phiếu mới, bằng chứng là trong đợt IPO Công ty Vàng bạc Agribank mới đây, số cổ phần mà NĐT đăng ký tham gia gấp tới 3 lần lượng chào bán. Thứ hai, các doanh nghiệp lớn được bật đèn xanh về khả năng linh hoạt trong phương thức bán cổ phần. Điều này có nghĩa là MobiFone, MHB, BIDV và Vietinbank có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO ra công chúng. Theo thông tin hiện tại, mỗi doanh nghiệp trên hiện có tới 5 – 7  nhà ĐTNN đặt vấn đề, nếu định giá ở mức hợp lý, những doanh nghiệp trên hoàn toàn có thể tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, qua đó tạo niềm tin cho công chúng trong các đợt bán đấu giá. Thứ ba, trong trường hợp doanh nghiệp không muốn tiến hành IPO ngay thì có thể tìm cổ đông chiến lược và bán cho người lao động trong doanh nghiệp với một tỷ lệ nhỏ rồi chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần, khi điều kiện thị trường thuận lợi mới tiến hành IPO.

Sau 6 tháng đầu năm tiến trình cổ phần hoá ì ạch, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, hiện các tổng công ty, DNNN đã được phê duyệt đang khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá, đẩy nhanh tiến trình xác định giá trị doanh nghiệp để nhanh chóng đưa cổ phiếu đến với giới đầu tư. “Chúng tôi không yêu cầu doanh nghiệp phải xác định giá trị cao hay thấp, mà chỉ yêu cầu họ làm đúng quy trình, quy định, không gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình định giá”, vị cán bộ Cục Tài chính doanh nghiệp nêu quan điểm. Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cổ phần hoá khi có vướng mắc cũng được khuyến nghị gửi ngay về Bộ Tài chính để tìm hướng tháo gỡ, trong trường hợp cần thiết, Bộ có thể đề nghị Thủ tướng có công văn trả lời để nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tín hiệu tích cực từ thị trường cũng là động lực để nhiều công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân khởi động kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nếu như cả tháng 7 không có một đợt đấu giá cổ phần nào được tiến hành qua Sở và Trung tâm giao dịch thì tháng 10 này, Sở GDCK TP. HCM sẽ tổ chức đấu giá bán hơn 1 triệu cổ phần của CTCP Pymepharco với giá khởi điểm 45.000 đồng/CP. Theo ông Đoàn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Phòng đấu giá, Sở GDCK TP. HCM, ngoài những đơn vị đã nói ở trên, cơ quan này hiện nhận được 3 – 4 đề nghị đấu giá cổ phần cho các doanh nghiệp với quy mô khoảng 10 tỷ đồng/phiên; những đơn vị này đang hoàn tất các thủ tục công bố thông tin và chọn ngày đấu giá.  

 

 


Đấu giá sôi động theo sức bật thị trường
Call Now Button